Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025, trung bình hàng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người; tăng 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp và 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động…
TTXVN - Ngày 5/5, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.
Tính đến cuối năm 2022, Đắk Lắk có hơn 12.000 cơ sở, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với khoảng 120.000 lao động. Phần lớn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Những năm qua, hoạt động an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp được quan tâm thực hiện tốt, nhất là việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Các doanh nghiệp ban hành nội quy, quy trình, giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lao động tại nơi làm việc cũng như cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, trung bình hàng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người; tăng 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp và 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động…
Trên thực tế, tình hình tai nạn lao động tại tỉnh những năm qua có chiều hướng giảm dần. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn lao động làm 7 người chết, giảm 2 vụ so với năm 2021. Tai nạn lao động tập trung ở ngành nghề, lĩnh vực như: xây dựng, vận hành máy và thiết bị sản xuất. Các sự cố dẫn đến tai nạn lao động chủ yếu do điện giật, va đập, do vật rơi và đổ sập... Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động chủ yếu do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa được huấn luyện và xem nhẹ công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh nhấn mạnh, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đều có thể phòng tránh nếu người sử dụng lao động quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, kiểm soát nguy cơ rủi ro có thể xảy ra tại nơi làm việc, người lao động tuân thủ nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh đề nghị, các sở, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 và duy trì thực hiện trong năm với nội dung phong phú, hướng về người lao động. Toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực có nguy cơ, rủi ro cao. Các doanh nghiệp, đơn vị thường xuyên cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động; khảo sát, đo kiểm môi trường lao động và có biện pháp hạn chế, loại trừ yếu tố có hại đến sức khỏe người lao động tại nơi làm việc. Tất cả doanh nghiệp tổ chức ký kết giao ước thi đua thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 4 tập thể, 3 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2022. Sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện sở, ngành đến thăm, tặng quà hai công nhân lao động bị tai nạn lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột./.