Góp ý hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Việc sửa đổi các Luật là yêu cầu tất yếu để làm tiền đề cho việc tăng cường hiệu quả thực thi quy định pháp luật trong bối cảnh mới.
TTXVN - Ngày 25/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Tại Hội nghị, đa số đại biểu cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần điều chỉnh, đổi mới để phù hợp với sự phát triển kinh tế, thị trường, nhất là yêu cầu hội nhập thương mại toàn cầu như hiện nay. Ngoài ra, trong xây dựng hành lang pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là yêu cầu tất yếu để làm tiền đề cho việc tăng cường hiệu quả thực thi quy định pháp luật trong bối cảnh mới.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 chương, 79 điều nhằm hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục vướng mắc, bất cập, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Đồng thời, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm đảm bảo sự thích ứng với môi trường kinh doanh mới; đáp ứng yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Góp ý tại khoản 9, Điều 3 về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung thêm người có ảnh hưởng còn có văn nghệ sĩ, người dẫn chương trình truyền thông. Về các hành vi bị cấm quy định tại Điều 10, đại biểu đề nghị đưa hành vi lợi dụng uy tín, hình ảnh và sức ảnh hưởng của cá nhân người nổi tiếng để quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gây nhầm lẫn công dụng của sản phẩm đối với công chúng; hành vi ép buộc người tiêu dùng đang sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình phải mua thêm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác mà người tiêu dùng phải miễn cưỡng thực hiện. Dự thảo Luật cũng nên quy định rõ trách nhiệm đối với hàng hóa giao dịch trên nền tảng không gian mạng, mua sắm trực tuyến nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng, nhất là đối với các hành vi lừa dối, quảng cáo không đúng sự thật để bán hàng không đảm bảo chất lượng.
Tại Điều 74 về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị bổ sung quy định Chính phủ quy định cụ thể về cơ chế bố trí nguồn lực và cơ chế tài chính thống nhất cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu thống nhất với việc ban hành dự thảo Luật nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Góp ý tại Điều 7 về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, Điều 43 về kết nối, chia sẻ dữ liệu, Điều 44 về dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm nội dung việc quản lý cần đảm bảo được thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo quy định của Chính phủ nhằm đảm bảo sự thống nhất khi triển khai tại địa phương.
Tại Điều 37 về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trên môi trường điện tử, đại biểu đề nghị quy định cụ thể cơ quan nào sẽ có trách nhiệm giải quyết khi các bên chưa thống nhất được hợp đồng điện tử trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa đưa ra khái niệm cụ thể về chữ ký điện tử nước ngoài. Chẳng hạn, chữ ký điện tử có chứa yếu tố nào thì được xem là nước ngoài như: Vị trí địa lý nơi chữ ký điện tử được tạo ra; vị trí địa lý nơi chứng thư được phát hành; vị trí trụ sở của người ký; vị trí trụ sở của tổ chức chứng thực… Dự thảo Luật cần qui định rõ nội dung này.
Dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử; trường hợp của hợp đồng điện tử bị vô hiệu và cách xử lý hoặc quy định dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành liên quan. Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần giải thích rõ các thuật ngữ chuyên ngành; tiếp tục rà soát nội dung, quy định trong dự thảo Luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, tránh sự trùng lắp, chồng chéo với các luật khác, gây cản trở khi thực hiện./.