Dự án hướng tới mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch góp phần bảo vệ môi trường.
TTXVN - Sáng 16/2, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ khởi động Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam".
Trong những năm gần đây, tăng trưởng của ngành Du lịch đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường.
Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, quy định về giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực du lịch đã được ban hành tại Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân quản lý địa điểm diễn ra hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch thiết thực hưởng ứng chính sách, giải pháp hạn chế, tiến tới chấm dứt sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy tại địa điểm. Tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn, thi đấu và kinh doanh dịch vụ tại địa điểm hạn chế phát sinh chất thải, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, tiến tới không sử dụng các sản phẩm này. Khách du lịch, khách tham quan, khán giả và cộng đồng dân cư tại địa điểm hạn chế mang theo hoặc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy; tích cực sử dụng sản phẩm, công nghệ thân thiện với môi trường.
Mặc dù vậy, các quy định pháp luật của Luật Bảo vệ môi trường 2020 chưa có hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện. Các quy định về quản lý chất thải nói chung, tái sử dụng và tái chế nói riêng cần sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể ở nghị định, thông tư, quyết định mới có thể triển khai thực tế. Ngoài ra, dù đã có các chính sách hỗ trợ cho tái chế chất thải, nhưng còn thiếu các hướng dẫn cụ thể để có thể tiếp cận đến các ưu đãi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; thiếu các hướng dẫn về lựa chọn công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn; thiếu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm tái chế.
Cùng với đó, các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu cần có hướng dẫn cụ thể hơn để có thể áp dụng trong thực tiễn; cần ban hành các quy định tạo thị trường cho sản phẩm tái chế để có thể cạnh tranh với các sản phẩm được sản xuất từ nhựa nguyên sinh.
Để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam, Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng cho rằng, cần xây dựng các quy định, hướng dẫn cụ thể về lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; phân loại chất thải nhựa; xây dựng quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với các loại bao bì, trong đó bao gồm cả bao bì nhựa; quy định cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải nhựa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau xử lý. Bên cạnh đó, hoàn thiện công cụ kinh tế cũng giúp tăng khả năng quản lý chất thải nhựa như điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon khó phân hủy; bổ sung thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần phục vụ mục đích sinh hoạt; đánh thuế đối với các loại nhựa từ nguyên liệu gốc để thúc đẩy tái chế nhựa....
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề thách thức lớn trên toàn cầu do gây ra những tác động rất nguy hại tới môi trường đặc biệt môi trường biển. Nhằm quản lý hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, trên thế giới, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến ở các cấp độ khác nhau nhằm sớm hiện thực hoá các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Ngày càng có nhiều quốc gia nêu ra các sáng kiến tuyên bố khu vực nhằm kêu gọi hành động toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xem xét đến các yếu tố có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề rác thải nhựa, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Nhận thức được vấn đề này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động huy động các nguồn lực, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp thành viên trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa. Đề xuất Dự án hướng tới mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch đã được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường Toàn cầu chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" hướng tới mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch góp phần bảo vệ môi trường và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia. Nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa được nâng cao thông qua các hoạt động truyền thông. Các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai thí điểm tại một số nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch tại hai tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam và được phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Dự án nhằm xây dựng, áp dụng thí điểm và ban hành "Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa"; ban hành Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch; xây dựng và vận hành ứng dụng về quản lý rác thải nhựa./.
- Từ khóa:
- Rác thải nhựa
- du lịch
- môi trường