Xã hội

Khơi thông thị trường tín chỉ carbon xanh, giúp nền kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững

Cà Mau

Nút thắt lớn nhất hiện nay của Cà Mau là việc cụ thể hóa các nội dung phù hợp với điều kiện thực tế, từng bước hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để đưa thị trường tín chỉ carbon phát triển rộng rãi.

Sáng 14/4, Đoàn công tác Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (SCI) đã có buổi làm việc với Hội Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau về việc triển khai các hoạt động của dự án “Đánh giá tính khả thi để xây dựng thiết kế đề xuất dự án Tín chỉ carbon xanh tại tỉnh Cà Mau năm 2024 - 2025”, tìm hiểu tiến độ triển khai dự án “Rừng cho trẻ em”; đồng thời tham vấn, đánh giá kết quả và kinh nghiệm của địa phương trong công tác trồng, bảo vệ rừng ngập mặn và nuôi tôm sinh thái của người dân theo mô hình sản xuất rừng - tôm tại 3 xã của dự án trên địa bàn huyện Năm Căn.

Quang cảnh buổi làm việc giữa. 
Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau Nguyễn Thị Thanh Hương thông tin, dự án "Đánh giá tính khả thi để thiết kế đề xuất vận động dự án Tín chỉ carbon xanh tại tỉnh Cà Mau năm 2024 - 2025” do Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau chủ trì phối hợp với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9/2025. Sau thời gian triển khai tại các cộng đồng ven biển 3 xã gồm: Tam Giang, Tam Giang Đông và Lâm Hải thuộc huyện Năm Căn. Bước đầu, dự án đã được thực hiện đúng quy trình, tiêu chuẩn và cho kết quả tốt.

“Dự án nhằm cung cấp thông tin mang tính khoa học, xác thực, thuyết phục, phù hợp với cơ chế, chính sách hướng đến Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Từ đó, hướng tới mục tiêu làm giảm nguy cơ suy thoái, tăng diện tích trồng rừng; góp phần giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu biến đổi khí hậu, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân” - bà Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh.

Thông tin với Đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau Phan Minh Chí cho biết, địa phương có tổng diện tích rừng trên 92.460 ha. Trong đó, rừng ngập mặn trên 73.000 ha; tập trung ở các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân. Để phát triển rừng, hằng năm, Cà Mau đầu tư cho các hộ dân trồng mới khoảng trên 300 ha. Ngoài ra, Chính phủ đang có chương trình phát triển nông nghiệp bền vững; trong đó, trồng rừng và bảo vệ rừng, cơ chế chính sách được thực hiện đầy đủ. Đây là cơ sở để tỉnh phát triển rừng trong thời gian tới.

Ông Phan Minh Chí nhấn mạnh, nút thắt lớn nhất hiện nay của tỉnh Cà Mau là việc cụ thể hóa các nội dung phù hợp với điều kiện thực tế để từng bước hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để đưa thị trường tín chỉ carbon phát triển rộng rãi, tạo thêm sinh kế, thu nhập cho người dân sinh sống dưới tán rừng và bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng sản xuất xanh, bền vững.

"Rừng ngập mặn ở Cà Mau được xem là “bể chứa” carbon lớn. Do đó, địa phương xác định việc khơi thông các điểm nghẽn, phát triển thị trường tín chỉ carbon xanh sẽ là hướng mới giúp ngành lâm nghiệp phát triển bền vững. Rừng ngập mặn, chủ yếu là cây đước dù giá trị về môi trường, sinh thái rất lớn nhưng giá trị kinh tế lại không cao. Các sản phẩm từ cây đước mang lại còn nghèo nàn, chủ yếu là hầm than, làm đũa… Tiềm năng, lợi thế cũng vì vậy mà chưa khai thác được tối đa" - ông Phan Minh Chí đánh giá.

Ông Vương Đình Giáp, đại diện đoàn công tác của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế (SCI), phát biểu tại buổi làm việc. 
Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Đại diện Đoàn công tác, ông Toyoda Misuaki, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Nhật Bản và ông Vương Đình Giáp, Giám đốc Chương trình Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế đã nêu ra nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là các vấn đề về trẻ em cũng như sinh kế của người dân sống dưới tán rừng…

Giải đáp vấn đề này, đại diện Hiệp hội Doanh nhân trẻ tỉnh Cà Mau thông tin, những năm qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, du lịch xanh, du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường đã được Cà Mau đặc biệt quan tâm, đầu tư. Địa phương xem đây là hướng để phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư vùng rừng ngập mặn ven biển của tỉnh. Nếu thị trường tín chỉ carbon được áp dụng, người dân được trực tiếp thụ hưởng thì đây sẽ là nền tảng quan trọng để duy trì và phát triển hơn nữa diện tích rừng của địa phương trong tương lai.../.

Huỳnh Anh

Tin liên quan

Xem thêm