Khuyến khích doanh nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông đầu tư vào khu vực miền Trung
Để thu hút các doanh nghiệp ICT đầu tư vào khu vực, các tỉnh, thành phố miền Trung đã có nhiều chính sách đãi ngộ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
Ngày 10/6, tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã diễn ra Diễn đàn mở rộng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc - Việt Nam khu vực miền Trung.
Tham gia diễn đàn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng…, 40 doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) của Hàn Quốc và một số doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư miền Trung khẳng định, hiện nay, tại các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Bình Định… đều có các Trung tâm công nghệ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, Hàn Quốc và Singapore là 2 quốc gia đứng đầu về đầu tư trong lĩnh vực ICT ở khu vực này. Để thu hút các doanh nghiệp ICT đầu tư vào khu vực, các tỉnh, thành phố miền Trung đã có nhiều chính sách đãi ngộ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… Ngoài ra, đối với những địa hình ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, chính quyền địa phương cũng có những ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại đây.
Tiến Sỹ Huỳnh Ngọc Thọ, Đại học Đà Nẵng cho hay, Việt Nam hiện có 168 trường đại học và 520 trường nghề đào tạo ICT, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm là trên 100.000 người, tốt nghiệp 84.000 người; trong đó đại học khoảng 50.000 người, các bậc khác là 34.000 người, đảm bảo cung cấp lực lượng làm việc chất lượng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ICT đầu tư vào khu vực.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều năm qua, Công nghệ thông tin đã được xác định là một trong năm lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo động lực thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa Đà Nẵng trở thành địa điểm hấp dẫn, hội tụ các nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp và các doanh nghiệp Công nghệ thông tin; là địa phương dẫn đầu trong nhiều năm liền về chỉ số sẵn sàng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số của cả nước. Doanh thu toàn ngành Công nghệ thông tin của thành phố Đà Nẵng trong năm 2023 là 36.571 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 147,8 triệu USD, tăng 12% so với năm 2022; kinh tế số đóng góp 20% cơ cấu GRDP toàn thành phố. Đà Nẵng hiện có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ 2 sau Thành phố Hồ Chí Minh, gấp 3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc).
Tại diễn đàn, với mục tiêu chuẩn bị và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung Việt Nam, cũng như tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp ICT của 2 nước, các đại biểu đã trao đổi các thông tin về điều kiện môi trường đầu tư ICT, các chính sách ưu đãi của các địa phương, cơ sở hạ tầng..., giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam hiểu, qua đó mạnh dạn đầu tư vào khu vực./.