Môi trường

Kiểm soát chất lượng môi trường không khí trên địa bàn Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc

Ô nhiễm môi trường không khí diễn ra khá nhiều. Điển hình là nạn đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch lúa; đốt bỏ chất thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt.

Người dânn đốt rơm rạ sau khi thu hoạch gây khói bụi ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

TTXVN- Để tránh tình trạng ô nhiễm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn gửi ngành chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường không khí trên địa bàn. 

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao. 

Người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch gây khói bụi ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Công an tỉnh chỉ đạo phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là việc đốt chất thải trái phép gây ô nhiễm môi trường không khí; tăng cường rà soát, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn cháy nổ nhằm giảm tối đa các vụ hỏa hoạn, cháy nổ gây ô nhiễm môi trường không khí.

Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc quan trắc môi trường không khí; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn; thực hiện việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh. 

Sở công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin giao tiếp điện tử của tỉnh. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe, Sở phải kịp thời cảnh báo và có khuyến cáo cụ thể để nhân dân biết.

Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải tổ chức kiểm tra, đôn đốc (theo thẩm quyền) các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình...).

Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh được người dân, cử tri phản ánh khá nhiều. Điển hình là nạn đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch lúa; tình trạng đốt bỏ chất thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt; hoạt động khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng; phun sơn dầu đồ gỗ ở các làng nghề truyền thống...

Tình trạng ô nhiễm không khí ở một số ngành, nghề và địa phương đang giảm đáng kể do người dân tự nhận thức và thay đổi cách thức sản xuất. 

Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp khiến rơm rạ nhanh phân hủy, được chôn vùi xuống lớp đất canh tác mặt ruộng, hoàn trả lại nguồn hữu cơ, tăng độ phì cho đất; đồng thời, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Các làng nghề tháo dỡ xe, động cơ ở các xã Tề Lỗ, Đồng Văn thuộc huyện Yên Lạc đã giảm đáng kể tình trạng đốt bỏ hoặc đổ bỏ chất thải.../.

Nguyễn Trọng Lịch

Xem thêm