Thời sự

Kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

Đà Nẵng

Đây một loại hình dịch vụ công được Nhà nước cung cấp để góp phần minh bạch hóa về tài sản, giao dịch trong nền kinh tế và trong các chuỗi cung ứng vốn cho nền kinh tế...

Ngày 13/6, tại Đà Nẵng, Bộ Tư pháp phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (Dự án GIZ) tổ chức Hội nghị “Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất” cho các cơ quan, đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, gồm các Sở Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng đăng ký đất đai…

Quang cảnh hội nghị. 
Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho biết, Đảng, Nhà nước ta đã và đang có nhiều chính sách để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có mức độ hội nhập cao, với yêu cầu mạnh mẽ, quyết liệt về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, có yêu cầu về đảm bảo tính an toàn, sự phát triển ổn định của các chuỗi cung ứng vốn, bao gồm cung ứng vốn có bảo đảm, thông thoáng, thuận lợi về tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Để đạt mục tiêu đó, vai trò của đăng ký biện pháp bảo đảm ngày càng được khẳng định như một công cụ pháp lý hữu hiệu. Đây một loại hình dịch vụ công được Nhà nước cung cấp để góp phần minh bạch hóa về tài sản, giao dịch trong nền kinh tế và trong các chuỗi cung ứng vốn cho nền kinh tế; góp phần nâng cao chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh không chỉ của quốc gia mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương, nhất là năng lực về phát triển tiếp cận vốn, thị trường tài chính, tính liên kết giữa các thị trường và phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, việc nâng cao hiệu quả công tác đăng ký biện pháp bảo đảm nói chung, đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nói riêng là hết sức cần thiết cả trong công tác quản lý nhà nước và cả trong công tác đăng ký biện pháp bảo đảm. Vì vậy, việc bồi dưỡng, tập huấn để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm trong lĩnh vực này. Qua đó để có thêm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thiện, tính khả thi trong áp dụng các quy định pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm; đồng thời nhận diện đầy đủ hơn về hiệu quả của hệ thống đăng ký, kịp thời phát hiện những yếu kém, bất cập, hạn chế trong thực tiễn thực hiện đăng ký để có phương án khắc phục, điều chỉnh.

Báo cáo tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Hoàng, Phó Trưởng phòng, Phòng Nghiệp vụ 3, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai cho biết, trong thời gian qua, công tác đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh Gia Lai được triển khai kịp thời, có hiệu quả và đến nay, chưa phát sinh khiếu nại, tố cáo về đăng ký biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, các thông tư hướng dẫn cụ thể về công tác xử lý nghiệp vụ về đăng ký biện pháp bảo đảm vẫn chưa có, dẫn đến quá trình áp dụng pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương vẫn còn một số thiếu sót nhất định. Các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức chuyên môn còn hạn chế; hầu hết các kho lưu trữ đều quá tải so với số lượng hồ sơ hiện tại… là những khó khăn hiện nay.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) phát biểu khai mạc hội nghị. 
Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Ông Nguyễn Đình Hoàng kiến nghị Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thuận tiện cho việc tra cứu, đăng ký giao dịch bảo đảm.

Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Chu Đức Thắng nhìn nhận về hoạt động kiểm tra của cơ quan Nhà nước còn có các quan điểm khác nhau và việc thực hiện còn chưa thống nhất; mỗi cơ quan, tổ chức làm theo trình tự, thủ tục khác nhau và thường theo thói quen, kinh nghiệm nên làm giảm hiệu quả của hoạt động kiểm tra. Ông Chu Đức Thắng đã chia sẻ các vấn đề chung và các bước tiến hành cuộc kiểm tra cụ thể nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ thể của công tác kiểm tra thực hiện có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Còn theo đại biểu Phạm Thị Thịnh, Trưởng phòng đăng ký đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, với những điểm đổi mới của Luật Đất đai năm 2024, trong quá trình các chủ thể thực hiện việc thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cần lưu ý các vấn đề về thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký và thời hạn thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thực hiện quyền thế chấp, quyền sử dụng đất đối với chủ thể là đối tượng nhận thừa kế quyền sử dụng đất và vấn đề xử lý tài sản bảo đảm…./.

Trần Lê Lâm

Tin liên quan

Xem thêm