Thời tiết

Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại tỉnh Bình Thuận

Bình Thuận

Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận xảy ra nhiều loại thiên tai như lốc xoáy; sét đánh cục bộ; mưa to gây lũ; sạt lở đất, bờ biển,...

Địa điểm sạt lở thuộc Khu du lịch Bàu Trắng, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

TTXVN - Sáng 15/8, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại tỉnh Bình Thuận.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao những kết quả, nỗ lực của Bình Thuận trong triển khai các giải pháp chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố trên biển. Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn của tỉnh khi thường xuyên chịu nhiều ảnh hưởng của diễn biến thời tiết phức tạp và khắc nghiệt.

Thời gian tới, tình hình thời tiết dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường, Trưởng đoàn công tác đề nghị tỉnh Bình Thuận tiếp tục chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển…

Tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống các loại hình thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, Bình Thuận tiếp tục quan tâm tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai; đặc biệt, chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và các điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ”…

Các khu du lịch tại phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết sử dụng bao cát, bạt, cọc gỗ… để ngăn xâm thực, tuy nhiên, giải pháp này chỉ ngăn được tạm thời trong thời gian ngắn. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Về các kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác tiếp thu và tổng hợp gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, hiện nay, tình hình sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khu dân cư, khu kinh tế, khu du lịch ven biển, các công trình hồ chứa xuống cấp trong khi nguồn lực địa phương còn khó khăn, không triển khai đồng bộ, kịp thời để hoàn thiện công trình. Do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để địa phương xây dựng kè kiên cố tại các khu vực bị sạt lở trên địa bàn như: kè Bình Thạnh và kè Phan Rí Cửa tại huyện Tuy Phong; kè Hàm Tiến, kè Tiến Thành tại thành phố Phan Thiết; kè Tân Phước tại thị xã La Gi và kè Tân Thành tại huyện Hàm Thuận Nam… với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra một số loại hình thiên tai như lốc xoáy, sét đánh cục bộ, mưa to gây lũ, ngập lụt, gió mạnh, sạt lở đất, sạt lở bờ biển tại các địa phương Bắc Bình, Tuy Phong, Phan Thiết... ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh.

Biển xâm thực vào sát nhà dân tại khu phố B và C, phường Thanh Hải, thành phố Phan Thiết. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Cụ thể, các loại hình thiên tai đã làm 5 người chết và 31 người bị thương, 21 hộ dân phải di dời. Mưa to, gió mạnh làm 347 căn nhà bị sập, tốc mái, ngập, hư hỏng. Toàn tỉnh có hơn 14.700 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, 15 lồng bè và 36 ha diện tích nuôi cá truyền thống bị thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Tổng giá trị thiệt hại là hơn 135 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 7 tháng năm 2023, trên khu vực biên giới biển của tỉnh xảy ra 63 vụ tai nạn, sự cố; làm 15 người chết, 9 người mất tích, 6 người bị thương, 23 người bị tai nạn lao động và đuối nước; chìm 7 tàu cá, 14 tàu vận tải bị sự cố, trôi dạt, mất liên lạc.

Theo ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh luôn được các cấp, ngành, chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu với phương châm “4 tại chỗ” và phương án “Chủ động phòng tránh - ứng phó kịp thời - khắc phục khẩn trương và hiệu quả” nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, phương tiện, công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước, nhân dân.

Khi thiên tai xảy ra, tỉnh huy động mọi nguồn lực, nhất là sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các lực lượng vũ trang, cơ quan, tổ chức và quần chúng nhân dân nhanh chóng tổ chức khắc phục hậu quả, kịp thời ổn định sản xuất, đời sống người dân vùng chịu ảnh hưởng. Chính quyền không ngừng củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích ở các cấp, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai…/.

Hồng Hiếu

Xem thêm