Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn biến rất phức tạp, vẫn đang có xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, 5 tháng đầu năm 2024 đã phát hiện, tiếp nhận, xử lý 22 vụ lừa đảo trên không gian mạng, thiệt hại ban đầu xác định khoảng 26 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc người dân không trình báo cơ quan chức năng do nhiều lý do khác nhau.
Lãnh đạo Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn biến rất phức tạp, vẫn đang có xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Công an tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội; tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phát hiện, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm và cùng lực lượng công an đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
Trước đó, năm 2023, Công an tỉnh Kiên Giang tiếp nhận 25 trường hợp công dân đến trình báo bị các đối tượng sử dụng không gian mạng lừa đảo tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng, trong đó có 17 vụ lừa đảo tuyển cộng tác viên online; 5 vụ giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; 1 vụ giả mạo ứng dụng Tổng Cục thuế; 2 vụ lừa đảo cho vay tiền lãi suất thấp.
Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang phát hiện nhiều vi phạm pháp luật từ hoạt động cho vay qua ứng dụng di động nhằm thu lợi bất chính và hàng nghìn tài khoản, hội nhóm trên Facebook, Twitter, Telegram, Zalo... truyền bá, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, môi giới mại dâm, quảng cáo bán đồ chơi tình dục.
Cơ quan chức năng gặp những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này do dấu vết thu thập thường thể hiện chứng cứ điện tử, với đặc điểm dễ bị sửa chữa, xóa bớt hay chèn thêm thông tin, khó bảo đảm được tính chính xác, toàn vẹn so với nguyên gốc, dẫn tới việc đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm khó khăn. Tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các hình thức như: lấy thông tin, giả mạo thông tin; sử dụng sim “rác”, tài khoản ngân hàng “rác”, mạng riêng ảo, máy chủ ảo... với thông tin giả mạo hoặc không chính chủ; sử dụng công cụ giao tiếp bảo mật, ẩn danh như mạng xã hội, phần mềm OTT che giấu thông tin cá nhân hoặc dùng thông tin cá nhân giả... nên khó truy xét được đối tượng, không thể thu hồi được tài sản.
Cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đánh giá, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong nhân dân. Đáng chú ý, nhiều loại tội phạm truyền thống đang có xu hướng chuyển sang sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội như: trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tống tiền, đánh bạc, cá độ bóng đá, buôn bán hàng cấm, tín dụng đen...
Tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh, phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, giúp người dân chủ động cảnh giác, có ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản và tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện nghi vấn hoạt động phạm tội trên không gian mạng.
Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh chủ động có biện pháp nâng cao tính bảo mật, an toàn mạng máy tính và dữ liệu khi kết nối, truy cập không gian mạng; quán triệt cho cán bộ, đảng viên và tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân khi sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, chia sẻ thông tin cá nhân, đời sống riêng tư, tình cảm, các hình thức trao thưởng, tặng quà, mua bán hàng hóa, đầu tư tiền ảo, tiền điện tử, huy động vốn... trên mạng internet, mạng viễn thông, không để tội phạm lợi dụng.
Cùng đó, cơ quan chuyên trách tổ chức, triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để thu thập thông tin, tài liệu về tình hình có liên quan tại các địa bàn, lĩnh vực phụ trách, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và các hình thức vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; đồng thời phối hợp với đơn vị chức năng tuyên truyền, vận động các cá nhân có trách nhiệm tham gia phòng ngừa tội phạm và các hình thức vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao bằng cách bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình.../.