Pháp luật

Hỗ trợ người lao động phòng, chống tội phạm mạng

Hà Nội

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nhận biết tội phạm sử dụng công nghệ cao cho công nhân, viên chức, người lao động, tập trung vào các hành vi như: Tổ chức đánh bạc qua mạng, sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động tín dụng đen, môi giới mại dâm trên không gian mạng...

Quang cảnh Hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động”.
Ảnh: Đỗ Bình/TTXVN

TTXVN - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, nhiều năm qua, do tác động kéo dài, toàn diện và nghiêm trọng của dịch COVID-19, đời sống một bộ phận đoàn viên, người lao động còn nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, mất việc làm dẫn đến giảm thu nhập; nhiều người lâm vào trình trạng khốn khó.

Lợi dụng điều này, tội phạm đã len lỏi, tấn công; trong đó có cả tội phạm công nghệ cao, lừa đảo tín dụng, tín dụng đen, ma túy và nhiều hình thức tội phạm khác. Những loại tội phạm liên quan đến trật tự an toàn xã hội như cố ý gây thương tích, làm nhục, giết người, lừa đảo, cướp tài sản đã xảy ra trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Có trường hợp người lao động là nạn nhân, nhưng cũng có trường hợp là chủ thể tội phạm.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, mất an toàn trong đời sống công nhân đang dẫn đến nhiều hệ lụy, vì vậy, cần giải pháp vừa chiến lược vừa cấp bách để công nhân yên tâm sinh sống và làm việc. Công đoàn và Bộ Công an đang nỗ lực triển khai, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để đảm bảo môi trường an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đoàn viên, người lao động.

Tại hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động” được tổ chức mới đây, các đại biểu đã nêu nhiều vấn đề cấp bách hiện nay như: Vấn nạn sử dụng công nghệ cao “móc túi” công nhân; thực trạng tín dụng đen bủa vây công nhân, người lao động; đề cao cảnh giác, ngăn ngừa cháy nổ tại các khu nhà trọ; an ninh nhà trọ nhân rộng từ những “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”; vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội trong công nhân, người lao động… Bên cạnh đó, đã có nhiều ý kiến đóng góp về việc đổi mới trong xây dựng văn hóa, tinh thần cho người lao động, từ đó tránh xa tín dụng đen và tệ nạn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để công nhân, người lao động tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất trong tình hình mới.

Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, các đối tượng lừa đảo qua mạng thường xuyên nghiên cứu xu hướng, thị hiếu, nhu cầu của người dân; đặc biệt, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin để xây dựng các kịch bản, phương thức phạm tội chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức, triệt để lợi dụng công nghệ cao phục vụ hoạt động phạm tội. Hiện nay, tội phạm lừa đảo qua mạng đang ngày càng phổ biến, các đối tượng thường xuyên thực hiện các phương thức lừa đảo mới, cách thức tiếp cận nạn nhân mới để chiếm đoạt tài sản.

Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong đấu tranh với các vụ án tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng như phòng ngừa các nguy cơ của tội phạm sử dụng công nghệ cao đối với công nhân, người lao động, Thiếu tá Lê Anh Tuấn cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa đấu tranh với các hành vi phạm tội trong lĩnh vực lao động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nhận biết tội phạm sử dụng công nghệ cao cho công nhân, viên chức, người lao động, tập trung vào các hành vi như: Tổ chức đánh bạc qua mạng, sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động tín dụng đen, môi giới mại dâm trên không gian mạng...

Thiếu tá Lê Anh Tuấn cho rằng, cần đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền qua mạng xã hội Facebook, Zalo, gửi tin nhắn thông qua các nhà cung cấp dịch vụ mạng; tuyên truyền tại các bảng tin tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, panô, áp phích tại các công ty./.

Đỗ Bình

Đỗ Phương Bình

Xem thêm