Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực; GRDP tăng 7,75%, khách du lịch tăng 3,22 lần, doanh thu từ du lịch tăng 3,29 lần, thu ngân sách nhà nước vượt 33% dự toán.
(TTXVN) Sáng 9/12, Kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (khóa XI) tiếp tục chương trình làm việc với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề bức xúc của cử tri đã được đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đưa ra chất vấn.
Theo các đại biểu, hiện nay, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế xảy ra ở nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh, nhất là đối với trường hợp bệnh nhân có tham gia bảo hiểm y tế.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận nhìn nhận, thời gian qua, có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế xảy ra ở nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Thời điểm xảy ra thiếu thuốc, vật tư y tế tập trung chủ yếu vào cuối quý II, đầu quý III/2022 và chỉ thiếu trong một khoảng thời gian ngắn, không có trường hợp kéo dài.
Theo lý giải của Sở Y tế Bình Thuận, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguyên liệu sản xuất thiếu, hiếm, chuỗi sản xuất bị đứt gãy ở một số khâu, dẫn đến việc cung ứng thuốc chữa bệnh, vật tư y tế khó khăn hơn so với những năm trước. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp cung ứng thuốc chữa bệnh, vật tư y tế do hàng hóa khan hiếm nên ưu tiên bán cho cơ sở y tế tư nhân, được thanh toán nhanh hơn, thủ tục mua bán, thanh toán đơn giản hơn. Đây là lý do thuốc, vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh công lập thiếu nhưng mua bên ngoài vẫn có.
Ngoài ra, do thiếu và khan hiếm hàng hóa nên doanh nghiệp thay đổi giá bán, không chấp nhận bán theo giá đã báo giá cho các bệnh viện, trung tâm y tế. Các báo giá này là cơ sở để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu dẫn đến các bệnh viện, trung tâm y tế phải trình điều chỉnh lại kế hoạch đấu thầu, gây kéo dài thời gian có kết quả lựa chọn nhà thầu.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế và trang thiết bị y tế đã được phê duyệt chủ trương mua sắm hoặc kế hoạch đấu thầu. Sở phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan thực hiện các công việc trong quy trình đấu thầu để gói thầu mua sắm được phê duyệt kế hoạch đấu thầu kịp thời, nhất là trong việc xác định giá gói thầu, thẩm định kế hoạch đấu thầu theo quy định hiện hành. Đối với các thuốc không có nhà thầu tham dự, không có doanh nghiệp cung ứng, Hội đồng thuốc và Điều trị của Bệnh viện, Trung tâm Y tế thống nhất trình Thủ trưởng đơn vị lựa chọn thuốc có tác dụng tương tự trong điều trị để thay thế thuốc thiếu trong phác đồ điều trị quy định.
Nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cũng chất vấn việc các tuyến đường, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang bị hư hỏng nặng do phương tiện vận chuyển vật liệu từ mỏ đất, đá để thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam qua địa bàn. Các tuyến đường hư hỏng ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Ông Nguyễn Tấn Lê, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, trong quá trình thi công dự án từ khi khởi công đến nay, một số tuyến đường địa phương bị hư hỏng do việc vận chuyển vật liệu cho dự án gây ra nhưng chậm sửa chữa khắc phục, chỉ một số ít tuyến đường được các nhà thầu thi công sửa chữa tạm bằng cấp phối đá dăm nhằm đảm bảo giao thông nhưng chưa hoàn trả lại như kết cấu ban đầu.
Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án trong quá trình sử dụng tuyến đường vận chuyển vật liệu thi công phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về tải trọng cầu đường, tốc độ tối đa cho phép của từng tuyến đường; đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến; kịp thời sửa chữa hư hỏng phát sinh trong quá trình sử dụng...
Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các ban quản lý dự án yêu cầu nhà thầu thi công kịp thời sửa chữa hư hỏng trên các tuyến đường sử dụng để vận chuyển vật liệu cho dự án nhằm đảm bảo an toàn giao thông, không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đảm bảo sau khi dự án hoàn thành các tuyến đường địa phương phải được hoàn trả như hiện trạng ban đầu hoặc tốt hơn.
Sở chỉ đạo Thanh tra Sở tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về tải trọng của phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam trên các tuyến đường do Sở quản lý và tuyến đường huyện khi có yêu cầu.
Tại Kỳ họp, các đại biểu thảo luận thông qua định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023. Theo đó, các chỉ tiêu được đặt ra là tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,0 - 7,2%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10.006 tỷ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,52%... Để hoàn thành các mục tiêu, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023 theo yêu cầu của Tỉnh ủy "chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp" gắn với tổ chức tốt Năm Du lịch quốc gia 2023 tại Bình Thuận. Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy ngành, lĩnh vực phát triển, nhất là 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, công trình trọng điểm của tỉnh và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023…
Trong năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,75% (năm 2021 tăng 2,77%). Hoạt động du lịch sôi động trở lại, lượt du khách tăng 3,22 lần, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 3,29 lần. Thu ngân sách nhà nước vượt 33% dự toán./.
- Từ khóa:
- Bình Thuận
- kinh tế phục hồi