Năm 2022, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội.
(TTXVN) Ngày 9/12, sau hơn hai ngày làm việc tập trung, hiệu quả, Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV đã kết thúc tốt đẹp, thông qua nhiều văn bản quan trọng, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Tỉnh Ninh Bình phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7,5% trong năm 2023.
Ngoài ra, HĐND tỉnh Ninh Bình còn đề ra nhiều chỉ tiêu quan trọng khác trong năm 2023 như: GRDP bình quân đầu người đạt 85 triệu đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31.000 tỷ đồng, thu ngân sách trên địa bàn đạt 22.383 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,25 tỷ USD cùng nhiều chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, đô thị, môi trường...
Theo UBND tỉnh Ninh Bình, năm 2022, tỉnh đã hoàn thành và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội. Đáng lưu ý, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,06%, GRDP bình quân đầu người đạt 80,02 triệu đồng, thu ngân sách trên địa bàn đạt 23.300 tỷ đồng...
Kỳ họp HĐND tỉnh đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo kết quả công tác năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Thường trực HĐND tỉnh; tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách địa phương; báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, xây dựng kế hoạch năm 2023; tình hình chi ngân sách năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách năm 2023; thông qua danh mục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh năm 2023; ban hành Nghị quyết quy định mức học phí năm học 2022 - 2023...
Đặc biệt, kỳ họp đã dành một buổi để chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào 2 nhóm vấn đề được cử tri quan tâm gồm y tế, giáo dục - đào tạo. Đại diện Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã làm rõ nhiều nội dung như: tình trạng cơ sở khám chữa bệnh công lập thiếu một số chủng loại thuốc, sinh hóa xét nghiệm, bệnh nhân phải ra ngoài mua; thiếu vật tư y tế, công tác đấu thầu một số chủng loại thuốc còn bất cập; việc thanh toán các khoản kinh phí hỗ trợ phòng, chống và điều trị COVID-19 còn chậm trễ; kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch cho người lao động ngành Y tế chưa kịp thời...
Đối với nhóm vấn đề về giáo dục và đào tạo, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo đã trả lời, làm rõ nhiều câu hỏi của đại biểu liên quan đến việc phát triển giáo dục ngoài công lập còn khiêm tốn; tình trạng quá tải trường, lớp ở nhiều địa phương, nhất là ở đô thị, khu vực gần các khu công nghiệp. Cùng với đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo đã trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng thiếu hụt giáo viên so với định mức biên chế theo quy định, việc mua sắm trang thiết bị, đặc biệt là thiết bị phục vụ môn Tin học chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học...
Theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, với tinh thần nghiêm túc, đổi mới, phiên chất vấn tại kỳ họp đã hoàn thành các nội dung, yêu cầu đề ra. Tại phiên chất vấn, có 21 lượt đại biểu nêu 26 câu hỏi, chất vấn, tranh luận trực tiếp xoay quanh 2 nhóm vấn đề về y tế, giáo dục đối với lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành, địa phương. Qua đó thể hiện công tác chuẩn bị, tinh thần trách nhiệm của các Ban, các Tổ và đại biểu HĐND tỉnh trong việc lắng nghe, phản ánh những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm để đưa vào chất vấn.
Để thực hiện hiệu quả cam kết sau chất vấn, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố bám sát nội dung trả lời chất vấn; tập trung thực hiện giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn./.
- Từ khóa:
- Ninh Bình
- tốc độ tăng trưởng