Chính phủ hành động

Kinh tế tư nhân đóng góp lớn vào nền kinh tế tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân.

TTXVN - Ngày 21/9, Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Ninh Bình, ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, tỉnh đã tập trung ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển. Hiện địa bàn tỉnh có 6.216 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 186.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 192.000 lao động; trong đó có 845 công ty cổ phần, 4.784 công ty trách nhiệm hữu hạn và 587 doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp hoạt động tập trung ở một số lĩnh vực như xây dựng, bán buôn, bán lẻ, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản... Doanh nghiệp trên địa bàn có bước phát triển về số lượng lẫn chất lượng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao qua các thời kỳ; 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,56%, đứng thứ 12 toàn quốc và đứng đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, đến năm 2022, GRDP đạt 3,5 tỷ USD, đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố trong cả nước...

Hội nghị dành thời gian phân tích, thảo luận làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế tư nhân, gợi mở giải pháp thực hiện thời gian tới.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Đoàn Ngọc Xuân phát. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp của tỉnh không ngừng phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu, năng lực cạnh tranh trên thị trường, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế tư nhân, Ninh Bình còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục như: Hoạt động của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế; sản phẩm còn gặp khó khăn về thị trường, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất, quy định ràng buộc của các thị trường nhập khẩu. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ chưa chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực tài chính, nhân sự, tổ chức quản trị doanh nghiệp, thông tin thị trường. Trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, tính liên kết còn yếu, khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp...

Thời gian tới, Ninh Bình cần tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng và phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, qua đó giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong đơn vị kinh tế tư nhân; tăng cường vận động, thuyết phục, nâng cao nhận thức của đơn vị kinh tế tư nhân về công tác này... Các doanh nghiệp trên địa bàn cần phát huy vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động tham vấn, phản biện, đối thoại chính sách để đóng góp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn.

Ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn biểu dương các kết quả tích cực địa phương đạt được trong thực hiện Nghị quyết giai đoạn vừa qua. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình thẳng thắn chỉ ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như: Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh chưa đáp ứng được kỳ vọng, mục tiêu đề ra; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực chưa chặt chẽ. Công tác giải phóng mặt bằng, thi công ở một số dự án còn chậm tiến độ; một số doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh yếu, quá trình khởi nghiệp gặp khó khăn.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện đồng bộ nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW và Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trong đó, các cấp ủy, chính quyền cần thống nhất nhận thức và tư tưởng, hành động, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân hiệu quả, bền vững thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, tập trung chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, tính hiệu quả của việc tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp, không chỉ ở cấp tỉnh mà kể cả cấp huyện, thực hiện phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp.

Với tinh thần chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đề nghị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quán triệt cán bộ, công chức thực hiên nghiêm túc đạo đức công vụ, tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp; chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, sách nhiễu; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; đảm bảo hoạt động thanh tra, kiểm tra đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho các tập thể có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Nữ doanh nhân, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Doanh nghiệp cựu chiến binh tỉnh... tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, thường xuyên bám sát nhiệm vụ, kịp thời tổng hợp ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh gặp mặt, đối thoại hoặc chỉ đạo ngành chức năng xem xét, giải quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen 15 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW./.

Đức Phương

Tin liên quan

Xem thêm