Môi trường

Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển xanh ngành công nghiệp khai thác

Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về Công nghiệp khai thác, khôi phục tài nguyên khoáng sản và xây dựng (Mining Vietnam 2024), chiều 24/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Mỏ - Địa chất phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Triển lãm SES Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế tuần hoàn và sự đóng góp của ngành công nghiệp khai thác”.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất phát biểu tại hội thảo.
Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN

TTXVN - Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về Công nghiệp khai thác, khôi phục tài nguyên khoáng sản và xây dựng (Mining Vietnam 2024), chiều 24/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Mỏ - Địa chất phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Triển lãm SES Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế tuần hoàn và sự đóng góp của ngành công nghiệp khai thác”.

Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, trong bối cảnh của sự dịch chuyển nền kinh tế hướng tới kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh và bền vững, việc định hình một tương lai phát triển của ngành công nghiệp khai thác tài nguyên địa chất là hết sức quan trọng để bảo đảm cho việc duy trì chuỗi cung ứng nguyên liệu truyền thống, tìm kiếm và phát triển các nguồn tài nguyên mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ được môi trường là hết sức cấp thiết. Do đó, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ và thảo luận các kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế tuần hoàn và sự đóng góp của ngành công nghiệp khai thác. Đây cũng là cơ hội để kết nối hợp tác giữa các nhà khoa học, các chuyên gia, giữa trường đại học và doanh nghiệp, giữa trường đại học và cộng đồng hướng tới sự phát triển xanh và bền vững, là tiền đề cho các hợp tác nghiên cứu khác trong tương lai.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN

Các đại biểu tham dự được nghe một số tham luận từ các giảng viên, nhà khoa học của Trường Đại học Mỏ - Địa chất và các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức như: Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác mỏ kaolin; Nghiên cứu lựa chọn công nghệ thu hồi các nguyên tố có giá trị từ bụi lò cao... Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận các xu thế phát triển, một số công nghệ mới trong ngành công nghiệp khai thác tài nguyên địa chất.

 Tiến sỹ Phạm Thanh Hải, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ về thiết bị lọc hơi nước tăng áp trong tuyển khoáng.
Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN

Chia sẻ về công nghệ và thiết bị lọc hơi nước tăng áp trong tuyển khoáng, luyện kim và tái chế, Tiến sỹ Phạm Thanh Hải, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, lọc hơi nước là thiết bị mới, có nhiều đóng góp trong khử nước, làm khô, rửa các sản phẩm của tuyển khoáng, luyện kim và các công nghệ chế biến khác. Lọc hơi nước có ưu điểm trong việc thu hồi chất hòa tan trong các sản phẩm, có thể ứng dụng nước biển cho việc cung cấp hơi nước và dễ dàng cung cấp được các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn cao về môi trường. Lọc hơi nước đảm bảo được lượng hơi nước áp suất cao trong các chu trình lọc mà không bị thoát ra ngoài cũng như chi phí sản xuất của loại thiết bị này. Loại thiết bị này được ứng dụng nhiều khi cần lọc các loại vật liệu có hạt mịn và siêu mịn các sản phẩm của quá trình thủy  luyện ở nhiệt độ cao. Các kết quả thí nghiệm cho thấy triển vọng ứng dụng phương pháp lọc mới để khử nước các sản phẩm trong nhà máy tuyển khoáng, luyện kim./.

Trần Diệu Thúy

Xem thêm