Trời nắng nóng kết hợp với chỉ số tia cực tím ở mức cao khiến người dân dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe như: say nắng, say nóng hay đột quỵ do nắng nóng khi tham gia các hoạt động ngoài trời.
TTXVN - Những ngày qua, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung tiếp tục trải qua đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ có khi lên tới hơn 40 độ C, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Cơ quan khí tượng dự báo, nắng nóng còn tiếp diễn và mùa mưa sẽ đến muộn hơn mọi năm.
Thời gian gần đây, đưa con đi học vào buổi sáng, chị Hà Huỳnh Hồng Hạnh (ngụ quận Bình Tân) lại bị choáng bởi hơi nóng hắt vào người dù mới khoảng 8 giờ. Chị Hạnh và con phải đeo khẩu trang và quấn khăn choàng che kín mặt, mặc áo dài tay, đeo kính râm mới có thể chống chọi với nắng nóng. Đến trưa, nhiệt độ tăng đến đỉnh điểm, nắng gay gắt như “cháy”da thịt. “Năm nay, mùa nóng đến quá sớm. Từ trước Tết Nguyên đán, tôi đã thấy oi bức, sau Tết càng nóng hơn. Mọi năm, thời điểm cuối tháng 4 là bắt đầu hạ nhiệt, xuất hiện mưa trái mùa. Tuy nhiên năm nay, trời vẫn nắng gay gắt chưa thấy dấu hiệu giảm nhiệt”, chị Hạnh chia sẻ.
Trên đường Kinh Dương Vương (Quận 6), anh Điền Trần Bảo Long, chủ một quán cà phê dùng vòi nước phun trước cửa để làm mát, hạn chế bụi bặm. Theo anh Long, trong thời tiết nắng nóng, thực khách sẽ ưu tiên lựa chọn những quán ăn, quán nước có lắp điều hòa hơn là những cơ sở có quy mô nhỏ, không điều hòa như của anh. Gần hai tháng nay, ngày nào, anh Long cũng phải phun nước trước cửa quán ba lần nhưng bên trong vẫn nóng hầm hập rất khó chịu. Điều này dẫn đến số lượng khách giảm, việc kinh doanh bị ảnh hưởng.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, những ngày qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 35 - 36 độ C, độ ẩm thấp ở mức 30 - 40%. Thời tiết oi bức trong ngày kéo dài 12 giờ đến 16 giờ. Tuy nhiên, thực tế bên ngoài nhiệt độ ghi nhận cao hơn mức dự báo từ 2 - 4 độ C, đỉnh điểm có khi lên tới hơn 40 độ C. Đài khí tượng nhận định, nắng nóng tại khu vực Nam Bộ năm nay có một số điểm diễn ra bất thường, độ dài của đợt nắng nóng gần như dài nhất trong nhiều năm qua, bắt đầu từ tháng 2/2024 đến nay và còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Đài khí tượng dự báo, từ nay đến ngày 27/4, áp cao cận nhiệt đới hạ dần trục về phía Nam vắt qua Nam Trung Bộ; trên vùng biển phía Đông Nam Bộ, gió Đông đến Đông Nam hoạt động với cường độ trung bình đến yếu. Do đó, nắng nóng vẫn xảy ra trên diện rộng. Tuy nhiên, cường độ nắng nóng có khả năng thu hẹp; nhiệt độ cao nhất từ 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Riêng khoảng ngày 26 - 27/4, về chiều khả năng sẽ xuất hiện mưa dông cục bộ; người dân đề phòng lốc, sét trong cơn dông.
Mùa nắng nóng năm 2024 sẽ kết thúc muộn hơn so với mọi năm. Nửa đầu tháng 5, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương Nam Bộ vẫn xuất hiện những đợt nắng nóng trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Số ngày nắng nóng và nhiệt độ cao nhất trung bình trong các tháng nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm. Nhiệt độ trung bình từ tháng 4 - 6/2024 cũng cao hơn mọi năm từ 1 - 2 độ C.
Đài khí tượng cho biết, mùa mưa tại Nam Bộ khả năng sẽ bắt đầu muộn hơn so với mọi năm. Theo đó, mọi năm mùa mưa thường bắt đầu trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Tuy nhiên năm nay, thời điểm bắt đầu mùa mưa sẽ rơi vào khoảng từ ngày 10 đến ngày 20/5. Tổng lượng mưa ở Nam Bộ trong mùa mưa có thể cao hơn mọi năm từ 5 - 15%, tập trung vào nửa cuối mùa mưa (từ tháng 7 - 11/2024). Trong mùa mưa năm nay, khả năng sẽ có những đợt mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Cà Mau, Kiên Giang...
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trời nắng nóng kết hợp với chỉ số tia cực tím (UV) ở mức cao khiến người dân dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe như: say nắng, say nóng hay đột quỵ do nắng nóng khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc thời gian dài trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, hoặc do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do nắng nóng là: người già, trẻ em, phụ nữ; những người lao động ngoài trời; những người mắc các bệnh mãn tính về tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, đái tháo đường, gan, ung thư...
Trung tâm khuyến cáo, người dân cần uống đủ nước, nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Người dân cần hạn chế ra ngoài trời trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 - 16 giờ. Nếu phải đi ra ngoài, người dân cần đeo khẩu trang, sử dụng áo chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay, tất chân... có độ dày thích hợp; đặc biệt nên chọn những chất liệu vải thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi./.