Thách thức từ biến đổi khí hậu sẽ chỉ được giải quyết khi có sự chung sức đồng lòng của từng người dân, từng quốc gia trên thế giới với tinh thần “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”
TTXVN - Biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, nghiêm trọng và thực sự đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã và đang đưa ra những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thách thức từ biến đổi khí hậu sẽ chỉ được giải quyết khi có sự chung sức đồng lòng của từng người dân, từng quốc gia trên thế giới với tinh thần “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
*Khi ứng phó biến đổi khí hậu trở thành trụ cột hợp tác
Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia được công bố ngày 7/3/2024, trong khuôn khổ chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia, thăm chính thức Australia và New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ 5-11/3/2024 nêu rõ: “Hai bên tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng khả năng chống chịu của môi trường, nông nghiệp thích ứng với khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, khoa học biển cho phát triển bền vững, giảm ô nhiễm nhựa, an ninh lương thực và nguồn nước, đặc biệt là ở khu vực Mekong, bao gồm cơ chế Đối tác Mekong”.
Trong chuyến công tác tại Việt Nam từ 15-17/4/2024, trao đổi riêng với phóng viên TTXVN, Thượng Nghị sỹ, đồng Bộ trưởng phụ trách về biến đổi khí hậu và năng lượng Australia, bà Jenny McAllister cho biết, lần đầu tiên, trong quan hệ song phương giữa Australia với một quốc gia, lĩnh vực khí hậu và năng lượng được đưa vào một trụ cột hợp tác riêng.
Với Australia, đất nước có chung cam kết với toàn cầu như Việt Nam là giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cam kết này đã được luật hóa. Hiện nay, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Australia đều chung tay đóng góp các hành động cụ thể để đạt được mức cam kết trên. Cho rằng, Việt Nam cũng sẽ tiến tới lộ trình này, bà Jenny McAllister nhận định, các đối tác của hai nước có nhiều cơ hội hợp tác, đặc biệt là về mặt công nghệ để Việt Nam đi đúng lộ trình, tiến tới đạt được cam kết này.
Là đất nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong hơn 50 năm, Chính phủ Australia, thông qua các cơ quan, đối tác, đã triển khai nhiều dự án hợp tác hỗ trợ Việt Nam bằng nguồn viện trợ ODA, trải khắp các khu vực trên cả nước. Mới đây nhất là gói hỗ trợ Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long trị giá 94,5 triệu AUD; Chương trình hợp tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng trị giá 105 triệu AUD.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden từ 10-11/9/2023, hai bên ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó cam kết hợp tác, hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh và hạ tầng năng lượng tái tạo.
Cụ thể hóa nội dung này, ngày 4/4/2024 tại Thủ đô Washington DC (Hoa Kỳ), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Cố vấn cao cấp về chính sách khí hậu quốc tế Hoa Kỳ, ông John Podesta đã có cuộc làm việc. Hai bên đã khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong phát triển năng lượng sạch, hạ tầng lưới điện bền vững, chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo. Phía Hoa Kỳ cũng tiếp tục khẳng định hỗ trợ cam kết về khí hậu của Việt Nam trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng cũng như mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Không chỉ Australia, Hoa Kỳ, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Phần nhiều trong số này đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
*Đoàn kết quốc tế là sức mạnh
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những chỉ đạo xuyên suốt đối với vấn đề môi trường. Từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến Đại hội Đảng lần thứ VIII, cụm từ “bảo vệ môi trường” luôn được đề cập tại các văn kiện. Đến Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) lần đầu tiên, cụm từ “biến đổi khí hậu” được sử dụng. Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XI (năm 2013), Đảng ta đã ban hành một nghị quyết riêng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định sự coi trọng đặc biệt tới vấn đề biến đổi khí hậu, nhấn mạnh sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung toàn cầu.
Nhận thức rõ không một quốc gia nào có thể một mình giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu, văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ quan điểm: “Thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới” với chủ trương: “Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu... Thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng quốc tế thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu”.
Từ quan điểm xuyên suốt này, Chính phủ, Quốc hội đã thể chế hóa nhiều nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trên các cơ chế đa phương, song phương đối với lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu. Tích cực tham gia nhiều thể chế đa phương, quốc tế, khu vực, Việt Nam cũng chủ động đề xuất nhiều sáng kiến, cơ chế, phương thức hợp tác hiệu quả, góp phần quan trọng thu hút nguồn lực bên ngoài trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và sớm phê chuẩn nhiều thỏa thuận lớn về biến đổi khí hậu như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992, Nghị định thư Kyoto năm 1998, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016… Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Với cam kết này, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và nhận được nhiều đề nghị hợp tác, hỗ trợ cùng chung tay thực hiện thành công cam kết.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị COP 28, với chủ đề: “Đoàn kết quốc tế, chung tay vì sự phát triển thịnh vượng của nhân loại”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh những năm qua càng chứng tỏ đây là vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến toàn cầu, vấn đề của toàn dân. Mỗi quốc gia phải có trách nhiệm quản lý thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa sức mạnh nội sinh của dân tộc mình là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp với sức mạnh đoàn kết quốc tế là quan trọng và đề cao chủ nghĩa đa phương; lấy người dân, lợi ích chung toàn cầu là trung tâm, chủ thể, không để bất cứ quốc gia nào, người dân nào bị bỏ lại phía sau”.
Biến đổi khí hậu ở Việt Nam được dự báo sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội. Để vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao hiệu quả, thực hiện thành công các nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hợp tác quốc tế; đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, huy động nguồn viện trợ, hỗ trợ tài chính ưu đãi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; chủ động hơn trong hợp tác với các nước, nhất là các nước phát triển, có quan hệ chiến lược, chiến lược toàn diện với nước ta.
Do vậy, từng quốc gia cần ý thức được trách nhiệm của mình, cùng nhau góp sức tìm lời giải cho bài toán biến đổi khí hậu để thế giới phát triển bền vững. Và, tương lai tươi sáng này đang phụ thuộc vào chính chúng ta của hiện tại./.
Thu Phương