Môi trường

Thanh niên đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

“Thanh niên đang tận dụng lợi thế của chuyển đổi số và mạng xã hội để nâng cao kiến thức và kỹ năng về biến đổi khí hậu là nhận định của Nhóm Công tác Thanh niên về chính sách khí hậu.

Các đại biểu tham dự sự kiện.
Ảnh: Hoàng Vân/TTXVN 

TTXVN - Hưởng ứng Giờ Trái đất 2024 và Tháng Thanh niên, ngày 22/3, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố các báo cáo của Nhóm Công tác Thanh niên về chính sách khí hậu.

Sự kiện đặc biệt này giới thiệu những kết quả thu được từ báo cáo "Thanh niên trong chuyển đổi năng lượng công bằng" và "Thanh niên trong giáo dục về biến đổi khí hậu", cho thấy giới trẻ ở Việt Nam đang nỗ lực giải quyết và đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu mở đầu sự kiện, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang hướng tới một tương lai phát thải ít carbon. Thông điệp từ thanh niên rất rõ ràng: Chúng ta không chỉ ghi nhận mà còn tích cực đầu tư vào khả năng của thế hệ trẻ trong việc đóng vai trò có ý nghĩa đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.

Bà Ramla Khalidi khẳng định, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để thanh niên Việt Nam tiếp cận, truyền tải kiến thức cũng như sự năng động của mình vào việc thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.

Trình bày báo cáo "Thanh niên trong chuyển đổi năng lượng công bằng", Trưởng nhóm Đào Mạnh Trí chỉ ra vai trò quan trọng của thanh niên với tư cách là những người ủng hộ, nhà giáo dục, nhà đổi mới và nhà lãnh đạo trong các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững. Báo cáo ghi nhận sự nhiệt tình tham gia của thanh niên; đồng thời cũng kêu gọi sự chú ý đến khoảng cách về kiến thức kỹ thuật và kỹ năng xanh cần thiết cho công việc tương lai trong lĩnh vực năng lượng bền vững.

Về báo cáo "Thanh niên trong giáo dục về biến đổi khí hậu", Trưởng nhóm Lương Nguyễn Ngọc Mai khẳng định, nhu cầu lớn của thanh niên về học tập, trải nghiệm và tiềm năng của thanh niên nông thôn trong các chương trình hành động tại địa phương để giải quyết vấn đề môi trường. Báo cáo hoan nghênh việc tích hợp nội dung biến đổi khí hậu gần đây vào chương trình giảng dạy, công nhận vai trò của số hóa trong việc tăng cường học tập về biến đổi khí hậu, ủng hộ việc mở rộng và chính thức hóa các tài nguyên trực tuyến vào hệ thống giáo dục.

Thanh niên là lực lượng mạnh mẽ tạo nên sự thay đổi, đại diện cho một bộ phận đáng kể dân số Việt Nam. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã khởi động sáng kiến Thanh niên hành động vì biến đổi khí hậu từ năm 2020. Sáng kiến và cổng thông tin học tập về biến đổi khí hậu của thanh niên đã trở thành nền tảng quan trọng để giới trẻ bày tỏ tiếng nói, khuyến khích họ chia sẻ ý tưởng và tham gia vào nỗ lực của đất nước nhằm, thúc đẩy thực hiện đóng góp quốc gia tự quyết định Việt Nam cũng như mục tiêu xây dựng các hành động cụ thể để thanh niên đóng góp vào cam kết phát thải ròng bằng “0”.

Báo cáo của Nhóm Công tác Thanh niên về chính sách khí hậu dựa trên kết quả khảo sát và phỏng vấn chi tiết hơn 1260 thanh niên trên khắp Việt Nam. Báo cáo nhấn mạnh sự quan tâm mạnh mẽ của giới trẻ trong việc đóng góp cho một tương lai sạch hơn, xanh hơn. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiều thanh niên cần thêm thông tin hoặc được đào tạo để tham gia đầy đủ vào những nỗ lực này. Các báo cáo cũng cho thấy thanh niên đang tận dụng lợi thế của chuyển đổi số và mạng xã hội để nâng cao kiến thức, kỹ năng về biến đổi khí hậu. Qua đó giúp thanh niên nâng cao khả năng tạo ra những cải tiến mới và thực hành các kỹ năng xanh./.

Hoàng Vân

Tin liên quan

Xem thêm