Chiều 12/4, tại Hà Nội, Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia tổ chức hội thảo “Công tác thẩm định, phê duyệt, quản lý trữ lượng khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và đề xuất hoàn thiện trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản”.
TTXVN - Chiều 12/4, tại Hà Nội, Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia tổ chức hội thảo “Công tác thẩm định, phê duyệt, quản lý trữ lượng khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và đề xuất hoàn thiện trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản”.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, mặc dù công tác thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đạt được nhiều kết quả đáng kể nhưng vẫn còn những vấn đề tồn tại, bất cập. Thời gian tới, cần rà soát, đánh giá một cách toàn diện kết quả thực hiện công tác này ở cấp Trung ương cũng như địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp khắc phục cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật về khoáng sản ngay trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên mong rằng, thời gian tới, khi Luật Địa chất và Khoáng sản được Quốc hội khóa XV thông qua, các điều khoản trong các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, ngoài vai trò quản lý của nhà nước như định giá nguồn tài nguyên khoáng sản - tài nguyên quan trọng, ý nghĩa của quốc gia, cơ quan thường trực là Văn phòng Hội đồng và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan đến tài nguyên khoáng sản cần tập trung hoàn thiện các điều khoản trong Nghị định hướng dẫn thi hành liên quan đến địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy của Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản.
Theo ông Lại Hồng Thanh, Chánh Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, đến nay, Hội đồng đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản gần 1.300 báo cáo thăm dò, thăm dò nâng cấp các mỏ khoáng sản các loại (khoáng sản kim loại, không kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản năng lượng, nước dưới đất và nước khoáng..). Nhiều mỏ thuộc các nhóm khoáng sản đã được đưa vào khai thác, chế biến đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu để phát triển các ngành công nghiệp quan trọng trong nước như: Năng lượng, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón và hóa chất cơ bản…
Do vậy, ông Lại Hồng Thanh cho rằng, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần làm rõ khái niệm “thăm dò nâng cấp”, “thăm dò bổ sung”, “thăm dò khai thác” để làm cơ sở đề xuất Chính phủ hướng dẫn, quy định rõ quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản (sau khi cập nhật). Cùng với đó là nội dung quản lý trữ lượng sau khi cấp phép khai thác đến khi đóng cửa mỏ khoáng sản. Theo đó, trữ lượng sau khi cấp phép khai thác cho tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác cần được cập nhật, bổ sung hàng năm để theo dõi đến thời điểm báo cáo và làm cơ sở thanh, quyết toán tài nguyên, đóng cửa mỏ khoáng sản.
Bàn về phân cấp và tính trữ lượng, tài nguyên khoáng sản rắn ở Việt Nam, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phương, Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam, thực tế công tác thăm dò, phân khối, xếp, cấp trữ lượng và tính trữ lượng được dựa trên cơ sở chỉ tiêu công nghiệp tạm thời do chủ đầu tư đề xuất; được Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản công nhận. Chỉ tiêu tính trữ lượng còn mang nặng tính chủ quan của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập báo cáo; trong nhiều trường hợp chưa có sức thuyết phục về cơ sở khoa học và tài liệu thực tế minh chứng do thiếu nhiều tài liệu đầu vào khi luận giải chỉ tiêu công nghiệp.
Để khắc phục các bất cập trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phương đề xuất một số giải pháp như tiến hành đánh giá sai số cho các khối tính trữ lượng, xác định kích thước đới ảnh hưởng... Đối với dự án đầu tư khai thác mỏ, cần xem xét về khía cạnh đặc thù so với các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác; độ tin cậy của trữ lượng tính toán được trong lòng đất, nhằm bảo đảm tính minh bạch và công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia trong lĩnh vực hoạt động khai thác khoáng sản.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương đã trao đổi, thảo luận một số nội dung về phân cấp trữ lượng, tài nguyên khoáng sản rắn ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp; khoáng sản đi kèm và công tác thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đi kèm và kiến nghị sửa đổi bổ sung trong quy định của pháp luật về khoáng sản; công tác địa vật lý trong thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản và một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản...
Để nâng cao chất lượng công tác thăm dò và đánh giá trữ lượng, tài nguyên các mỏ khoáng sản, các chuyên gia đều thống nhất, ngay từ khâu lập đề án thăm dò cần được hướng dẫn và thẩm định chi tiết, đồng thời nghiên cứu bổ sung các quy định làm rõ các đầu mối quản lý các hoạt động thăm dò, thẩm định, phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò và quản lý trữ lượng, tài nguyên khoáng sản; tăng cường nghiên cứu, triển khai các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ địa vật lý lỗ khoan trong điều tra, đánh giá và thăm dò khoáng sản ẩn sâu.../.
- Từ khóa:
- trữ lượng khoáng sản