Vệc xuất hiện nhiều hội, nhóm "lái xe hộ" không đăng ký ngành nghề kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh khiến dịch vụ này đang dần bị “biến tướng”, gây ra nhiều hệ lụy tại Kon Tum.
Xuất hiện và nở rộ từ cuối năm 2023, đến nay, dịch vụ “lái xe hộ” đang trở thành một xu thế mới tại tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, việc xuất hiện nhiều hội, nhóm "lái xe hộ" không đăng ký ngành nghề kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh khiến dịch vụ này đang dần bị “biến tướng”, gây ra nhiều hệ lụy.
*Đa số không phép
Mới đây, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum đã có báo cáo số 178/BC-TTrS về kết quả rà soát, xác minh thực trạng dịch vụ “lái xe hộ” trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Lực lượng chức năng xác định, trên địa bàn thành phố có 8 đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hội, nhóm tham gia dịch vụ “lái xe hộ” gồm: Công ty Cổ phần GoHome Kon Tum, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Xây dựng Tuấn Dũng Kon Tum, hộ kinh doanh chạy xe hộ GoGo-Kon, Love Home Kon Tum, Lái xe hộ 5K, Hung Grap Kon Tum, Dịch vụ lái xe hộ (Drive Safe) và Chạy xe hộ Đào Bá Đông.
Điều đáng nói, trong 8 đơn vị, hội, nhóm kể trên, chỉ có 3 đơn vị là Công ty Cổ phần GoHome Kon Tum, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Xây dựng Tuấn Dũng Kon Tum, hộ kinh doanh chạy xe hộ GoGo-Kon có đăng ký kinh doanh.
Trong 3 đơn vị này chỉ có hộ kinh doanh chạy xe hộ GoGo-Kon đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải (chạy xe hộ, ship hàng). Hai đơn vị còn lại chỉ đăng ký dịch vụ vận tải hành khách đường bộ khác (vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hành khách du lịch bằng ô tô), hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải, không có nội dung “lái xe hộ”.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, lực lượng chức năng chỉ có thể liên hệ và làm việc được với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Xây dựng Tuấn Dũng Kon Tum, hộ kinh doanh chạy xe hộ GoGo-Kon. Các đơn vị, hội, nhóm còn lại đều lấy lý do vắng mặt, không làm việc hoặc không hợp tác.
Việc hoạt động bát nháo, không phép của một số hội, nhóm kinh doanh dịch vụ “lái xe hộ” tại Kon Tum gây ra một số vụ việc đáng báo động. Đơn cử, ngày 12/5/2024, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh phát hiện tài xế L.C.Q (36 tuổi, trú tại thành phố Kon Tum) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,028mg/lít khí thở khi đang “lái xe hộ”. Hay mới đây, một trường hợp “lái xe hộ” cũng bị lực lượng chức năng phát hiện khi vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Các trường hợp vi phạm này đều thuộc các đơn vị, hội, nhóm không đăng ký kinh doanh dịch vụ “lái xe hộ”.
Bà Nguyễn Thị Thúy, hộ kinh doanh chạy xe hộ GoGo-Kon cho biết, việc bát nháo dịch vụ "lái xe hộ" ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của ngành dịch vụ này. Xuất phát từ nhu cầu xã hội, dịch vụ "lái xe hộ" hướng đến mục tiêu tạo sự an toàn cho người và phương tiện của khách hàng về nhà khi đã sử dụng đồ uống có cồn.
“Chúng tôi đăng ký kinh doanh mảng dịch vụ này, có yêu cầu khắt khe về mặt nhân lực, bao gồm cả trình độ và thái độ phục vụ. Chúng tôi cũng đang thử nghiệm app Gogo-Kon Rider, hướng đến sự chuyên nghiệp, nếu nhận được phản hồi không tốt của khách hàng, đơn vị sẽ chấm dứt hợp đồng với lái xe. Tuy nhiên, đối với các đơn vị, hội, nhóm không đăng ký kinh doanh thì khác, họ không có sự quản lý chặt chẽ về mặt nhân lực sẽ dễ dẫn đến tình trạng vi phạm quy định về an toàn giao thông, an ninh trật tự, thậm chí là an toàn của khách hàng”, bà Thúy nói.
* Cần sớm chấn chỉnh
Trước tình trạng nở rộ loại hình dịch vụ này, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản số 2675/UBND-HTKT về việc quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ “lái xe hộ” trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ “lái xe hộ” thực hiện đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và tổ chức hoạt động kinh doanh theo đúng quy định pháp luật; nghiên cứu xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động cũng như quyền, lợi ích của người sử dụng dịch vụ do đơn vị cung cấp; kiểm tra sức khỏe người lao động là lái xe, bố trí lao động “lái xe hộ” có giấy phép lái xe phù hợp loại xe điều khiển. Đồng thời, quán triệt người “lái xe hộ” nghiêm túc thực hiện quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ.
Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động dịch vụ “lái xe hộ” nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Lực lượng chức năng chú trọng kiểm tra việc chấp hành điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ đối với người “lái xe hộ” theo đúng quy định của pháp luật, kiểm tra việc chấp hành quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông và quy định khác có liên quan.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thực hiện công tác quản lý, hỗ trợ dịch vụ “lái xe hộ”.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum, Sở đang tích cực phối hợp với Công an tỉnh triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong lúc chờ có phương án, giải pháp chấn chỉnh tình trạng bát nháo dịch vụ "lái xe hộ", theo quan sát của phóng viên TTXVN, các hội, nhóm "lái xe hộ" đang hoạt động rầm rộ, trên tất cả tuyến đường. Các thành viên của hội, nhóm tụ tập lại thành một điểm, sau đó tản đi các hàng, quán để tìm khách. Thậm chí, vẫn xuất hiện tình trạng tranh giành khách giữa các hội, nhóm "lái xe hộ", gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và uy tín của đơn vị được cấp phép kinh doanh dịch vụ này.
Ông H, chủ một nhà hàng kinh doanh ẩm thực trên địa bàn thành phố Kon Tum cho biết, thông thường mỗi buổi tối, khoảng sau 20 giờ, một số hội, nhóm "lái xe hộ" cử người đến quán để tìm khách. Không chỉ trực tiếp tìm khách, các hội, nhóm này còn công khai in card visit đưa cho khách, dù không biết đã được cấp phép kinh doanh hay chưa.
“Tôi thấy dịch vụ này khá tốt, giúp những người đã uống bia, rượu và các loại thức uống có cồn không thể tự lái xe về nhà sẽ được đưa về, cả người lẫn phương tiện. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều hội, nhóm tham gia dịch vụ này dẫn đến tình trạng chèo kéo khách, thậm chí tranh giành khách, bảo kê địa bàn… gây mất trật tự. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải sớm có phương án quản lý đối với dịch vụ này”, ông H nói./.