Xã hội

Kon Tum: Xác định trách nhiệm từng đơn vị trong quản lý, bảo vệ rừng

Kon Tum

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để mất rừng và các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại địa bàn quản lý.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh xảy ra 28 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, với hơn 47,4 m3 gỗ. Dù đã giảm về số vụ lẫn số gỗ vi phạm song theo nhận định của cơ quan chức năng, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp ở tỉnh còn diễn biến phức tạp, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong phát hiện và xử lý vi phạm.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) nhìn từ trên cao.
Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đánh giá, dù cấp ủy, chính quyền tích cực vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, số vụ vi phạm Luật lâm nghiệp giảm so cùng kỳ với năm trước trên hai tiêu chí là số vụ và khối lượng, song tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng Kiểm lâm, Công an, Bộ đội Biên phòng, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp, chủ rừng luôn xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để mất rừng và các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại địa bàn quản lý.

Ông Nguyễn Hữu Tháp yêu cầu đơn vị chủ rừng, Kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp tăng cường công tác phối hợp trong từng khâu, từng bước xử lý để đảm bảo tất cả vụ án, vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện kịp thời, sớm tổ chức điều tra, xác minh, đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất về quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương, đơn vị chủ rừng để chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, Sở thường xuyên phát động ra quân tuần tra, truy quét và xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, lưu ý khu vực giáp ranh giữa các tỉnh.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, trong số 28 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng được phát hiện, có 14 vụ vi phạm tại lâm phần do chủ rừng quản lý, với khối lượng hơn 34,1 m3 gỗ; 14 vụ vi phạm còn lại tại địa bàn xã, thị trấn thuộc các huyện, khối lượng hơn 13,2 m3 gỗ. Cùng với 16 vụ vi phạm từ kỳ trước chuyển sang, lực lượng chức năng xử lý hành chính 27 vụ, tịch thu hơn 28,1 m3 gỗ tròn, quy tròn, 11 phương tiện, công cụ các loại, xử phạt tổng số tiền gần 700 triệu đồng. Có 5 vụ việc đã khởi tố hình sự, hiện đang trong quá trình điều tra.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đánh giá, mặc dù số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm tương ứng 6,6%, khối lượng gỗ vi phạm giảm tương ứng 20% so với cùng kỳ năm trước song số diện tích rừng bị thiệt hại tăng hơn 1,1 ha, tương ứng 22%.

Điều đó cho thấy, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp tại tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm là do diện tích rừng phân bố rộng, địa hình phức tạp, chia cắt. Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn mỏng, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, đời sống một bộ phận nhân dân sống gần rừng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm; thu nhập không ổn định, sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng. Một số đối tượng vì lợi ích trước mắt, bị dụ dỗ, lôi kéo để thực hiện hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.

Ngoài ra có nguyên nhân chủ quan như một số đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện giải pháp nhằm đôn đốc, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Một số hộ, cộng đồng được nhà nước giao rừng nhưng chưa thực hiện hết trách nhiệm, vẫn để xảy ra vi phạm phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên diện tích được giao. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, chưa thực hiện đảm bảo đầy đủ quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền./.

Dư Văn Toán

Tin liên quan

Xem thêm