Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV: Tính dự báo trong quy hoạch tổng thể quốc gia là hết sức quan trọng
Quy hoạch tổng thể quốc gia là bức tranh phát triển của đất nước và thể chế hóa được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như khát vọng của dân tộc Việt Nam.
(TTXVN) Ngày 6/1, ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp bất thường lần thứ 2, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cho ý kiến tại các tổ thảo luận, các đại biểu đánh giá, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là bức tranh phát triển của đất nước và thể chế hóa được Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng cũng như khát vọng của Việt Nam đối với phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2030-2045 trở thành hiện thực.
Nhiều ý kiến đại biểu nhận định, hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, một số nội dung cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ. Đồng thời, các ý kiến khẳng định việc Quốc hội kịp thời xem xét, thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia là vô cùng cần thiết… Nếu thiếu quy hoạch tổng thể quốc gia hoặc tiến hành chậm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những quy hoạch tiếp theo, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong những năm sắp tới. Quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, vùng, tỉnh; đồng thời, góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém lâu nay trong công tác quy hoạch, đặc biệt là tình trạng tổ chức không gian phát triển còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa tập trung nguồn lực để hình thành rõ nét các vùng động lực và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.
Vì vậy, các đại biểu kỳ vọng với sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, bổ sung một số nội dung cần tiếp tục rà soát để bảo đảm quy hoạch tổng thể quốc gia khi được thông qua sẽ đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Thảo luận tại tổ đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, đây là vấn đề khó, với xuất phát điểm ban đầu là Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua vào năm 2019. Chủ tịch nước đánh giá Chính phủ đã chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của Luật Quy hoạch; nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với thời gian quy hoạch rất dài, tầm nhìn gần 30 năm trong một giai đoạn thế giới đầy biến động, công nghệ đổi mới, phát triển như vũ bão, tính dự báo trong quy hoạch là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quy hoạch.
Bên cạnh đó, để quy hoạch không bị lạc hậu, cần có sự đánh giá tình hình, cập nhật thường xuyên; chú trọng bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu… Trong các yếu tố quyết định thành công của việc thực hiện quy hoạch, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. "Nếu không có nguồn nhân lực tốt, không thể nào thực hiện được quy hoạch. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có kinh nghiệm và Việt Nam cần phải đặt vấn đề này. Chúng ta phải thay đổi nguồn nhân lực một cách căn bản, chất lượng, mới thực hiện được các chiến lược, những kịch bản tăng trưởng" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước lưu ý nước ta là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, do đó khi đặt vấn đề về quy hoạch tại những trục chính, những đô thị, khu vực đông dân cư phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, phát triển bền vững.
Liên quan đến một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao (trong dự thảo quy hoạch đưa ra hai kịch bản tăng trưởng) với lý do chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
* Quy hoạch cần có độ linh hoạt
Cho ý kiến tại thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng quy hoạch cần có độ linh hoạt vì "cứng quá rất khó làm".
Về nguồn lực để thực hiện quy hoạch, đại biểu cho rằng, đây cũng là vấn đề quan trọng khi Nhà nước rất khó đủ nguồn lực tài chính để thực hiện, mà có thể sẽ phải huy động thêm nguồn lực bên ngoài. Đại biểu cho rằng, nên xác định những vùng trọng điểm để thúc đẩy phát triển và kéo theo sự phát triển ở những nơi khác thay vì "dàn đều" cho tất cả địa phương. "Cần phải nhấn một vài chỗ mạnh, còn chỗ khác chấp nhận chậm một bước, nhưng sau đó tiến nhanh, sẽ hiệu quả hơn là dàn trải như hiện tại", đại biểu Phương chia sẻ.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) quan tâm đến việc xác định định hướng về phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật quốc gia, đặc biệt là giao thông. Theo đại biểu, thực tế ở nước ta và các nước khác trên thế giới nếu phát triển tốt hạ tầng giao thông thì sẽ thuận lợi cho phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, nước ta đặc biệt quan tâm đến hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ có sự thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, giao thông đường biển và đường sắt còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, hiện nay nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế mở, giá trị kim ngạch xuất khẩu rất lớn. Nếu chúng ta chủ động làm tốt hạ tầng giao thông, sẽ giảm chi phí logistics. "Tôi rất đồng tình với mục tiêu quy hoạch đặt ra là đến năm 2030, tỷ lệ chi phí logistics trong GDP tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN và đến năm 2050 tương đương với các nước trên thế giới. Đây là mục tiêu thể hiện quyết tâm rất cao, muốn đạt được mục tiêu này, cần phải hoàn thiện đồng bộ các hạ tầng về giao thông, đặc biệt là giao thông đường sắt", ông Trần Văn Tuấn nói.
Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, trong quy hoạch xác định chưa rõ, xác định chủ yếu là hệ thống đường sắt nội địa, còn hệ thống đường sắt liên kết quốc tế "chỉ nêu có mấy dòng".
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, để phát huy tối đa các nguồn lực trên cơ sở huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, quy hoạch tổng thể quốc gia cần bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững để người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội chất lượng cao, hệ thống an sinh xã hội phát triển bền vững.
Việc bổ sung này nhằm bảo đảm thực hiện chỉ số phát triển con người, chỉ số hạnh phúc của người dân, nguồn nhân lực; hướng đến mục tiêu đến năm 2030 phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực... Đây là cơ sở để có thể sử dụng chính sách phù hợp với yêu cầu và định hướng phát triển./.