Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9: Những quyết sách quan trọng cho giai đoạn phát triển mới
Quốc hội đã thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
Sau 6,5 ngày làm việc, ngày 19/2, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp.
Đây cũng là cơ sở để Chính phủ nỗ lực cao nhất trong việc xây dựng các kế hoạch, các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong các luật và các nghị quyết của Quốc hội trong thời gian sắp tới.
Tiến hành công tác nhân sự, kiện toàn các chức danh để bảo đảm tổ chức bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới, Quốc hội đã bầu 2 Phó Chủ tịch Quốc hội và 6 Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 Bộ và 3 cơ quan ngang Bộ; có 25 thành viên gồm Thủ tướng Chính phủ, 7 Phó Thủ tướng Chính phủ, 14 Bộ trưởng, 3 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Đáng chú ý, trong xem xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật
Trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào ngày 21/10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu rõ yêu cầu về đổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ…
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.
Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là "luật làm ra luật", làm ra thể chế, muốn tháo gỡ được thể chế, muốn khơi thông được “điểm nghẽn” của thế chế thì phải sửa nội dung làm ra thể chế.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được ban hành trong bối cảnh cả nước quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cùng với việc thay đổi cơ cấu tổ chức Chính phủ và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ khóa XV. Nghị quyết 27/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 cũng đã nêu rõ yêu cầu, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo tổ chức bộ máy mới, hoàn thành trước ngày 15/2/2025, bảo đảm đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2025.
Trong ngày 18/2/2025, ngay sau khi Quốc hội kiện toàn các chức danh, tại Hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ, giao nhiệm vụ cho một số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu nhấn mạnh, là cơ quan hành chính cao nhất, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trên tất cả các lĩnh vực, nhiệm vụ của Chính phủ rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh cả nước đang phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới theo hướng bền vững...; đồng thời Thủ tướng Chính phủ nêu rõ yêu cầu, trước tình hình thế giới biến đổi rất nhanh và phức tạp, các thành viên Chính phủ không được chủ quan, lơ là, mà phải nắm chắc, phản ứng nhanh, hiệu quả trước tình hình; luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, xây dựng chính phủ liêm chính, trong sạch, vì nhân dân phục vụ...
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Quốc hội đã thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
Theo đó, Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Nhiệm vụ đầu tiên là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có nêu rõ: “Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước”. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, tại kỳ họp Quốc hội lần này, Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được Quốc hội thông qua sáng 19/2.
Một trong những nội dung nổi bật tại Nghị quyết này là: Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên được lựa chọn để chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì được hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách Trung ương trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030. Tổng mức hỗ trợ không vượt quá 10.000 tỷ đồng...
Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có hiệu lực thi hành ngay trong ngày Quốc hội thông qua (19/2/2025), áp dụng xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần và một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện Dự án.
Nghị quyết gồm 5 điều. Cụm từ “cơ chế, chính sách đặc biệt” được sử dụng xuyên suốt dự thảo Nghị quyết. Theo báo cáo của Cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận rất khó thu hút các nhà đầu tư, trong khi tỉnh có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn, nguồn lực rất hạn chế để triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc hỗ trợ thêm nguồn thu cho tỉnh Ninh Thuận trong thời gian này là hết sức cần thiết để vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vừa tạo điều kiện phát triển hạ tầng tạo thuận lợi để phục vụ triển khai đầu tư xây dựng Dự án…
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được Quốc hội thông qua đã thu hút nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân, nhất là 9 tỉnh, thành phố trong vùng dự án. Tổng mức đầu tư dự án là 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD, phấn đấu hoàn thành chậm nhất năm 2030. Việc phát triển dự án này không chỉ thúc đẩy kinh tế mậu dịch qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn hình thành tuyến giao thông bằng đường sắt liên kết Đông Á-Trung Á-châu Âu; tạo không gian phát triển mới, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ... tại các địa phương dọc hành lang tuyến.
Được đánh giá có hướng tuyến tối ưu, UBND thành phố Hải Phòng đã đề xuất đóng góp với tổng kinh phí khoảng 10.960 tỷ đồng vào nguồn vốn Dự án để thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố (cả 2 giai đoạn) và xây dựng tuyến nhánh Nam Hải Phòng-Nam Đồ Sơn trước năm 2030.
Dự án tạo tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ; tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 4,4 tỉ USD, ước tính tạo ra khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng và khoảng 2.500 việc làm lâu dài trong quá trình vận hành, khai thác; góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra, quyết định nhiều vấn đề cấp bách, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ chính trị cũng như sự mong đợi của cử tri và nhân dân. Kết quả này tạo tiền đề về công tác tổ chức, cán bộ tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong những thời điểm lịch sử trọng đại, cần có những quyết định mang tính đột phá để tạo động lực phát triển mạnh mẽ. Những luật, nghị quyết được thông qua trong Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt pháp lý, còn là nền tảng vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới./.
- Từ khóa:
- Kỳ họp
- bất thường
- lần thứ 9
- Quốc hội
- Nghị quyết