Tại hội trường, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào nội dung về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; giải thích khái niệm "thảm họa", "sự cố"; đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Tại hội trường, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào nội dung về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; giải thích khái niệm "thảm họa", "sự cố"; đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; cấp độ phòng thủ dân sự; thẩm quyền công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; hoạt động phòng thủ dân sự; tình trạng khẩn cấp; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy Lực lượng phòng thủ dân sự; Quỹ phòng thủ dân sự và những vấn đề khác đại biểu quan tâm.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng cao nhất yêu cầu phòng thủ dân sự.
"Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao"- Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm và sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh về dự án luật; cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh và những nội dung cơ bản dự thảo luật như đề nghị Chính phủ. Trong đó, nhiều vấn đề đã được đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá, phân tích và đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận của đại biểu gửi đến các vị đại biểu theo dõi, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tiếp thu, giải trình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua./.