Cần làm phong phú, đa dạng hóa các hình thức truyền thông để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sáng 4/11/2022 về lĩnh vực xây dựng; thông tin, truyền thông, cử tri Lào Cai bày tỏ: cần tăng khả năng tiếp cận thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin trên mạng, nhằm chủ động phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với những thông tin xấu, độc.
Về không khí phiên chất vấn, các cử tri Lào Cai đều đánh giá buổi chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của nhân dân và cử tri.
Liên quan đến việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Mã Én Hằng nêu rõ, dù việc này thời gian qua đã đạt được các kết quả nhất định, nhưng do điều kiện hạ tầng thông tin ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa đồng bộ, trình độ, nhận thức của một số người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn hạn chế nên việc nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có lúc, có nơi chưa kịp thời.
Để việc tiếp cận thông tin được tốt hơn, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Lào Cai cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi bằng nhiều hình thức truyền thông phong phú, đa dạng như: Sản xuất, phát sóng các chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số trên hệ thống truyền thanh cấp huyện và cấp xã; tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về các thông tin thiết yếu ở các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi sinh sống; tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp như hội thi, sân khấu hóa... Đồng thời, mạng lưới Tổ Công nghệ số cộng đồng được tiếp tục thiết lập và thúc đẩy hoạt động hiệu quả trên phạm vi toàn quốc để hỗ trợ tốt hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Đối với việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai Trần Xuân Huệ cho biết, với chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, Sở đã triển khai đồng bộ các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin điện tử, đặc biệt là việc kiểm soát, phát hiện và xử lý tin giả, tin sai sự thật. Sở đã tổng hợp cơ sở dữ liệu về thông tin điện tử; phân loại các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn, fanpage để có phương án quản lý phù hợp. Sở thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tổ phản ứng nhanh theo dõi và xử lý thông tin trên không gian mạng; duy trì đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/7; nắm bắt tình hình dư luận trên mạng xã hội, nhất là về các vấn đề “nóng”, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động lớn trong xã hội để có những định hướng, cung cấp thông tin kịp thời; tăng cường thanh tra, kiểm soát, xử lý, có biện pháp răn đe đối với việc phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật.
Từ năm 2020-2021, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phát hiện và xử lý gần 20 vụ việc vi phạm thông tin trên mạng, chủ yếu thông tin vi phạm liên quan đến dịch COVID-19; phát hiện và chấn chỉnh kịp thời hàng chục tài khoản đưa thông tin chưa chính thức, thiếu kiểm chứng lên mạng xã hội.
Bà Trần Xuân Huệ đề xuất, để thực hiện phương châm “Người dân ở đâu, thông tin tới đó", các cơ quan chức năng tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin trên mạng nhằm chủ động phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với những thông tin xấu, độc; tăng cường sử dụng mạng xã hội trong đối thoại chính quyền và doanh nghiệp, người dân; nâng cao chất lượng báo/trang thông tin điện tử/mạng xã hội để trở thành loại hình thông tin chủ lực. Các cơ quan, ban, ngành phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn/tổ dân phố để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận các nguồn tin chính thống trên không gian mạng; hướng dẫn nhận biết tin giả, thông tin xấu độc; kỹ năng sử dụng thông tin trên không gian mạng; tăng cường công tác phát hiện, xử lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thông tin trên môi trường mạng.
Ngoài ra, liên quan đến lĩnh vực xây dựng, đối với vấn đề quản lý thị trường bất động sản, bà Hoàng Thị Chắt, người có uy tín tại xã Cốc San, thành phố Lào Cai nêu rõ, thời gian gần đây, tại các khu vực quy hoạch dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh như: Khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông có dấu hiệu xuất hiện hoạt động đầu cơ bất động sản gây “sốt ảo”, có hiện tượng “thổi giá” làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường, gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường bất động sản của Lào Cai.
Bà Chắt đề nghị Quốc hội, Chính phủ các bộ, ban, ngành và cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thị trường bất động sản./.