Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Đề xuất mở rộng đối tượng được thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư
Việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội là một quy định với mục đích nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả.
TTXVN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Nội dung về việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Báo cáo nêu rõ, đối với quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại khoản 4 Điều 80, do vấn đề này còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án.
Phương án thứ nhất, tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.
Phương án thứ hai, chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật; đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật. Về vấn đề này, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1.
Thảo luận phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê sẽ góp phần bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, đồng thời cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Bày tỏ nhất trí với phương án quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách xã hội và tại các khu công nghiệp, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, cần có quy định cụ thể và lộ trình thực hiện vấn đề này.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội là một quy định với mục đích rất nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.
Tuy nhiên, tại Khoản 4, Điều 80 dự thảo Luật quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ thể quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà cho thuê. Như vậy, ở quy định này đối tượng được thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư lại thu hẹp hơn so với các đối tượng tại Điều 76 của dự thảo Luật. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư.
"Khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê thì rất dễ dẫn đến tình trạng nếu như công nhân, người lao động có nhu cầu chưa thuê hết thì nhà ở cho thuê vẫn thừa mà rất nhiều đối tượng khác thuộc Điều 74, Điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê, do không thuộc đối tượng công nhân và người lao động", đại biểu nhấn mạnh.
Vì vậy, để đảm bảo đúng mục đích, nhiệm vụ, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhưng vẫn khai thác tối đa hiệu quả việc đầu tư nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị chỉ nên quy định các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân và người lao động thuê.
Tranh luận về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là chưa thỏa đáng. “Công đoàn là người đại diện tiếng nói cho người lao động, khi Công đoàn lại trở thành chủ đầu tư, vậy nếu có vấn đề ai sẽ là người đại diện người lao động lên tiếng? Điều này dẫn đến khi thiếu nhà ở thì Công đoàn phải chịu trách nhiệm và không ai có ý kiến thêm”.
Từ những lý lẽ trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị nên quy định cụ thể theo hướng Công đoàn có thể là đơn vị được đầu tư nhà ở cho người lao động nhưng chỉ là những dự án mẫu để làm điển hình, tạo cơ sở để so sánh.
Nêu ý kiến tranh luận tại phiên họp về nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng đây là vấn đề mới, trong quá trình thực hiện còn nhiều nội dung cần làm rõ. Chính phủ chưa đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện các quy định sẵn có, do vậy, cần có đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng.
Đại biểu cũng cho rằng, việc giao cơ quan nhà nước, hay một tổ chức chính trị, xã hội làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt giữa chức năng của cơ quan nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần cân nhắc kỹ, chưa đưa nội dung này vào trong luật, mà cần thực hiện theo các quyết định hiện hành, tổng hợp thực tiễn để luật hóa những nội dung đã "chín", đã rõ.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng quan tâm thảo luận nhiều nội dung như: Về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân; hình thức sử dụng đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.../.