Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Kiến nghị triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất
Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại để phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động.
Sáng 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".
* Các giải pháp, kiến nghị theo hướng cụ thể hơn
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nâng cao điều kiện sống của người dân.
Giai đoạn 2015 - 2023, thị trường bất động sản đã có những bước phát triển về quy mô, loại hình, số lượng, hình thức huy động vốn và các chủ thể tham gia; tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển và nâng cao điều kiện sống cho các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế của đất nước, đồng thời, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả các khu chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai. Các loại hình bất động sản mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể điều chỉnh.
"Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu" - ông Vũ Hồng Thanh cho biết.
Về các kiến nghị, Đoàn Giám sát kiến nghị giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục rà soát những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội đã được nhận diện, được điều chỉnh tại các luật, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã ban hành, những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ và có giải pháp đồng bộ, cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Từ đó hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội...
Bên cạnh đó có cơ chế giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố thực tiễn khách quan, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để thị trường bất động sản bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, vì lợi ích chung, tổng thể, giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội...
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) cho rằng, về tổng thể, các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong dự thảo Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự cụ thể để có thể triển khai ngay để khắc phục được những hạn chế như đã nêu trong Báo cáo giám sát.
Dự thảo Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 bảo đảm tiến độ, chất lượng và sự phù hợp với nhu cầu, điều kiện làm việc, sinh sống của đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, đây mới là chủ trương chung chứ chưa có các định hướng cụ thể. Dự thảo Nghị quyết cần quy định thêm các nhiệm vụ, giải pháp để hạn chế tình trạng xét duyệt đối tượng không đúng, mua nhà ở xã hội để bán sang tay, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội từ ngân sách nhà nước để cho thuê… trong thời gian tới.
Về định giá đất, đại biểu cho rằng, mặc dù Báo cáo đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế và vướng mắc lớn trong việc định giá đất. Tuy nhiên, các giải pháp liên quan đến định giá đất đưa ra trong dự thảo Nghị quyết còn mang tính chung chung, chưa đủ cụ thể để tháo gỡ các vấn đề thực tiễn. Do vậy, cần phải rà soát, hoàn thiện các giải pháp theo hướng cụ thể hơn, có mốc thời gian thực hiện rõ ràng để tháo gỡ các vướng mắc…
* Cần giải pháp hạn chế tình trạng đầu cơ thổi giá
Cũng tại hội trường, nhiều đại biểu nêu lên vấn đề cử tri rất quan tâm, lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường; giá bất động sản tại một số thành phố lớn tăng cao trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu thực trạng giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao thời gian qua khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường… Không chỉ các khu vực trung tâm mà sức nóng còn lan sang các quận, huyện vùng ven đô, nhất là sự tăng giá đột biến ở các chung cư (cả chung cư mới và cũ), tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời gian trước đây.
Đại biểu cho rằng, tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá là nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian qua. Và hiện đang thiếu trầm trọng nguồn cung cho người thu nhập thấp… Do đó, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại để phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động.
Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, giá bất động sản tại các thành phố lớn rất cao và liên tục tăng lên, vượt quá mức thanh toán của đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở, đồng thời thu nhập từ bất động sản thấp so với giá vốn đầu tư bất động sản.
Để kiểm soát giá bất động sản, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất: Yêu cầu người tham gia đấu giá phải chứng minh được khả năng tài chính để mua tài sản, nhằm loại bỏ những người chỉ đấu giá để bán lại; thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá bán lần đầu trên thị trường thứ cấp. Đồng thời xây dựng cơ chế quản lý sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp tại một số thành phố lớn, nhằm quản lý minh bạch hoạt động của thị trường.../.