Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV: Góp ý chính sách phát triển ngành công nghiệp dược trong nước
Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ về dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó có cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp dược trong nước.
Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ về dự án Luật này, trong đó có cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp dược trong nước.
Về cơ chế quản lý cung ứng, phân thuốc được đề cập trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết chuyện cung ứng thuốc hiện nay liên tục rơi vào tình trạng "thiếu chỗ này, chỗ kia". Một trong những nguyên nhân là việc cấp quá nhiều số đăng ký cho một loại thuốc.
Theo đại biểu, hiện nay Việt Nam có hơn 800 hoạt chất và 22.000 số đăng ký thuốc, một con số vượt xa so với các quốc gia khác, tức là thuốc thành phẩm quá nhiều. Trong khi các quốc gia lân cận như Singapore có 1.200 hoạt chất nhưng chỉ có khoảng 10.000 số đăng ký, hay Nhật Bản có số hoạt chất hơn 1.600 nhưng có chưa đến 10.000 số đăng ký.
“Điều đó có nghĩa là chúng ta đang cấp số đăng ký một cách tùy tiện, quá nhiều, không có hạn chế. Cho nên tôi thấy cần có chủ trương hạn chế nhập khẩu những thuốc mà trong nước đã có quá nhiều số đăng ký”, bà Phạm Khánh Phong Lan đề xuất.
Theo đại biểu, khi có quá nhiều số đăng ký sẽ dẫn đến có quá nhiều lựa chọn, gây khó khăn cho đấu thầu. Cơ sở y tế, bán lẻ thuốc không biết đâu mà lựa chọn và cuối cùng lại quay về đấu thầu theo giá và giá càng rẻ, càng tốt lại làm thui chột đi ngành công nghiệp dược trong nước khi các doanh nghiệp dược nội địa không thể đủ sức cạnh tranh giá với các doanh nghiệp dược nước ngoài.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, trong chính sách phát triển công nghiệp dược hiện nay và cả trong dự thảo Luật sửa đổi, Nhà nước đặt ra một số điều khoản về ưu tiên ưu đãi trợ cấp vốn... nhưng trên thực tế việc áp dụng những trợ cấp này lại không khả thi, thậm chí còn tạo điều kiện cho mầm mống của tiêu cực. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cảnh báo việc không có những hạn chế, ràng buộc về phần vốn nước ngoài tham gia vào các công ty dược ở Việt Nam, đã và đang khiến những tên tuổi lớn của ngành dược Việt Nam dần bị rơi vào quyền kiểm soát của các tập đoàn nước ngoài.
Cũng bày tỏ băn khoăn về chính sách phát triển ngành công nghiệp dược trong nước ở góc độ trợ cấp của Nhà nước với các dự án đầu tư lĩnh vực dược, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết dự thảo Luật quy định một số chính sách mới có tính đột phá về các lĩnh vực ưu tiên được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, trong đó có quy định lĩnh vực và quy mô của dự án đầu tư cho một số lĩnh vực dược với tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu là 1.000 tỷ đồng trong thời hạn là 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư dược được áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Trong khi đó, luật hiện hành quy định là áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án có quy mô vốn đầu tư là 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu là 10.000 tỷ đồng trong thời hạn là 3 năm.
Theo đại biểu, mức giảm quy mô đầu tư dự án trong lĩnh vực dược như trong dự thảo Luật là vẫn cao so với điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp dược trong nước hiện nay. “Trong các phương án đưa ra để phát triển các doanh nghiệp về dược, chúng ta đưa ra quy mô của dự án là khó khả thi, trong điều kiện hiện tại lúc này. Do đó, nên điều chỉnh từ 3.000 tỷ đồng xuống còn 1.000 tỷ đồng là hợp lý. Bởi nếu như chúng ta đặt mục tiêu ban đầu cao quá thì rất ít tổ chức, cá nhân có thể đáp ứng được điều đó. Tôi rất muốn Ban soạn thảo rà soát lại nội dung này”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến.
Đại biểu cũng nhấn mạnh đến sự cấp thiết của việc xây dựng vùng nguyên liệu dược; cho rằng nếu không có vùng nguyên liệu thì khó phát triển được ngành công nghiệp dược bền vững.
Chia sẻ về nội dung này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) kỳ vọng dự thảo Luật Dược sửa đổi sẽ có những đột phá so với Luật Dược 2016 về chính sách phát triển công nghiệp dược như ưu đãi cho các doanh nghiệp khi thực hiện sản xuất những thuốc mới, thuốc công nghệ cao hay thuốc hiếm, biệt dược gốc. Theo đại biểu, đây là những ưu đãi quan trọng và những ưu đãi này cần được quy định cụ thể trong Luật để khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm./.