Cử tri kiến nghị hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm
Người lao động mong muốn tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp và hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.
Ngày 16/10, tại Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi tiếp xúc với cử tri với đoàn viên công đoàn và người lao động trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ Lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum) đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên công đoàn, người lao động và báo cáo đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhiều nội dung quan trọng.
Đối với dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, đoàn viên công đoàn đề nghị Quốc hội có thể bỏ khoản 3, Điều 11 vì nội dung giám sát việc chấp hành pháp luật nói chung đã được đề cập tại Điều 16; xem xét thay từ "chi tiền ăn" bằng “Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian diễn ra tập huấn” tại khoản 3, Điều 27.
Đối với dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, đoàn viên, người lao động mong muốn tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% (bằng mức hưởng lương hưu tối đa) nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp và hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần. Cử tri đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu, có những ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nâng cao tay nghề cho người lao động, đặc biệt đối với những ngành nghề có xu hướng phát triển cao như công nghệ thông tin, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đoàn viên, người lao động đề nghị bổ sung nhóm đối tượng là “Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quyết định của cấp có thẩm quyền” vào sau khoản 4, Điều 12 và bổ sung quy định tại khoản 9, Điều 1.
Đồng thời, cử tri đề nghị bổ sung quy định về việc ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo, các xã đạt chuẩn nông thôn mới không còn được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình giảm dần mức hỗ trợ. Việc làm này giúp tiếp tục hỗ trợ người lao động thêm một thời gian sau khi thoát nghèo, xã đạt chuẩn nông thôn mới, để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia bảo hiểm y tế, thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ.
Một số giáo viên mầm non kiến nghị, nếu tuổi cao thì không còn sức sáng tạo, kém linh hoạt, sức khỏe suy giảm, không còn nhanh nhẹn để đảm bảo công tác chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho trẻ, do đó Quốc hội cần quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định chung là phù hợp. Đối với cán bộ, giáo viên giảng dạy trong các trường phổ thông dân tộc bán trú đặc thù tại huyện, xã vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm tới chính sách, mức hỗ trợ phụ cấp trách nhiệm.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị bám sát thực tiễn của đoàn viên công đoàn, người lao động trên địa bàn tỉnh; đồng thời nhấn mạnh, những ý kiến, đóng góp của cử tri sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp và đề nghị các sở, ngành liên quan tiếp thu, ghi nhận để nghiên cứu, xử lý. Đối với những kiến nghị khác, Đoàn sẽ xem xét, lựa chọn trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời đáp ứng mong muốn, nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã trao tặng quà hỗ trợ đến những công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi, động viên tại một số công ty trên địa bàn./.
- Từ khóa:
- Tiếp xúc cử tri
- Cử tri
- Công đoàn
- Người lao động