Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và phi cá nhân, bảo đảm an ninh thông tin

Bộ Công an cho biết, qua rà soát, hiện có 69 luật có quy định về cơ sở dữ liệu, hồ sơ đề nghị xây dựng luật có quy định liên quan đến dữ liệu...

Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, ngày 8/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 và thảo luận về các nội dung này. Cũng trong ngày làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.

Bộ Công an cho biết, qua rà soát, hiện có 69 luật có quy định về cơ sở dữ liệu (bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành), hồ sơ đề nghị xây dựng luật có quy định liên quan đến dữ liệu như Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông năm 2023, Luật Công nghệ thông tin, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số… Phân tích, thống kê tại các văn bản luật nêu trên thì các luật này đã quy định về 33 cơ sở dữ liệu quốc gia, 39 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Trên cơ sở các quy định pháp luật và khảo sát thực tiễn của Bộ Công an, các bộ ngành, địa phương đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có 7 cơ sở dữ liệu quốc gia, gần 100 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Trong các luật đã rà soát, chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, tất cả các luật đều không quy định cụ thể, thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu; chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu; chưa quy định việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hoạch định đường lối, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, bảo đảm lợi ích của tổ chức, cá nhân…

Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay có vai trò rất quan trọng, được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta.

Việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm, dự thảo Luật gồm 7 chương, 67 điều, quy định về nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu; nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu; người làm công tác dữ liệu trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; hợp tác quốc tế về dữ liệu; các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia…/.

Chu Thị Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm