Cử tri Quảng Ninh đề nghị có giải pháp căn cơ phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão
Theo dõi phien thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 8,cử tri Quảng Ninh đánh giá cao về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 của cả nước.
Theo dõi Kỳ họp thứ 8, chiều 4/11, trước những thảo luận một số nội dung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, cử tri Quảng Ninh đánh giá cao về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 của cả nước.
Trong bối cảnh chung của thế giới, tình hình kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nền kinh tế được phục hồi rõ nét, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, ước cả năm đạt 6,8 - 7%; công tác an sinh xã hội được quan tâm đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm… Trên bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới năm 2024, Liên hợp quốc đã đánh giá chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc.
Trước kết quả này, cử tri Phạm Anh, Giám đốc Công ty phát triển Đầu tư xây dựng hạ tầng cho biết, tự hào khi thế giới ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong phát triển phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Cử tri Quảng Ninh cũng đồng tình trước những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại hội trường. Đó là, năm 2024, thiên tai tác động nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Ninh (địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất khi cơn bão số 3 đổ bộ hồi đầu tháng 9/2024). Đây là cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua trên đất liền ở nước ta với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, có sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản nhân dân, làm ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Để có các giải pháp căn cơ hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão, ông Bùi Đức Long, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hương Hải Hạ Long (đơn vị kinh doanh dịch vụ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long) mong muốn, Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất cơ chế, chính sách đủ mạnh, hỗ trợ ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, du lịch và dịch vụ; xây dựng đề án tái thiết nền kinh tế sau bão; rà soát bổ sung, tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng bị thiệt hại; có chính sách hỗ trợ trục vớt tàu đắm... Đặc biệt, Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mới, giảm lãi suất vay, cơ cấu gốc lãi ngân hàng nhằm hỗ trợ công ty mau chóng phục hồi sau hậu dịch COVID-19 và thiên tai.
Trong bối cảnh thế giới và trong nước chịu nhiều tác động bởi chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, theo ông Bùi Đức Long, thời điểm này, Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư công hơn nữa nhằm phát triển hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua sản xuất; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo ra nhiều việc làm, tạo đà bứt phá cho nền kinh tế phát triển.
Hiện nay, cử tri Quảng Ninh lo lắng về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh đang thấp so với kế hoạch được giao đầu năm. Đây là thách thức lớn đối với Quảng Ninh trong 2 tháng còn lại, khi tỉnh xác định đầu tư công là lĩnh vực bù đắp cho một số ngành, lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 trên 2 con số./.