Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ được thiết lập vào ngày 17/11/1954. Qua 70 năm, mối quan hệ này đã được củng cố và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.
Ngày 12/9, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ: Thành tựu và triển vọng". Sự kiện nhằm tổng kết chặng đường hợp tác giữa hai nước, đồng thời đề ra các định hướng mới trong quan hệ song phương, mở rộng hợp tác trong tương lai.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ được thiết lập vào ngày 17/11/1954. Qua 70 năm, mối quan hệ này đã được củng cố và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn khi hai nước cùng hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập và công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.
Các dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hai nước bao gồm chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Mông Cổ năm 1955 và các chuyến thăm cấp cao khác, cũng như việc ký kết nhiều hiệp định hợp tác và thiết lập Ủy ban liên Chính phủ từ năm 1979. Những sự kiện này đã củng cố nền tảng quan hệ hữu nghị và phát triển toàn diện trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa và giáo dục.
Hội thảo lần này không chỉ là dịp nhìn lại thành tựu 70 năm qua, mà còn mở ra cơ hội thảo luận về các phương hướng hợp tác tương lai, với mục tiêu xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Mông Cổ bền vững, hiệu quả và toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đồng thời đánh dấu việc hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như công nghiệp, chế biến nông sản, công nghệ sinh học, du lịch, cũng như hợp tác nghiên cứu và phát triển khoa học xã hội. Những giải pháp được đưa ra trong hội thảo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục các hạn chế còn tồn tại và thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ, Tiến sỹ Tserendorj nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác khoa học giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực xã hội, lịch sử, khảo cổ học và ngôn ngữ. Ông khẳng định rằng Mông Cổ rất quan tâm đến kinh nghiệm phát triển của Việt Nam, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển bền vững và các lĩnh vực như công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, giao thông vận tải và du lịch. Mông Cổ mong muốn Việt Nam làm cầu nối để tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á và tham gia sâu rộng hơn vào các diễn đàn khu vực, đặc biệt là Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Thái, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, sự hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ mang tính hỗ trợ lẫn nhau, không chỉ giúp hai nước khai thác lợi thế về tự nhiên và xã hội mà còn tăng cường an ninh quốc gia và ổn định khu vực. Triển vọng phát triển quan hệ song phương rất tích cực nhờ vào những lợi ích và sự tương đồng về văn hóa giữa hai quốc gia. Chính sách “láng giềng thứ ba” của Mông Cổ, với mục tiêu đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, cũng mở ra cơ hội để quan hệ Việt Nam - Mông Cổ phát triển hơn nữa.
Tiến sỹ Võ Hải Thanh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cho rằng, việc mở rộng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mông Cổ là rất quan trọng, giúp thúc đẩy thương mại, đầu tư và khai thác tiềm năng kinh tế giữa hai nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, mở rộng quy mô và tăng cường sự kết nối quốc tế. Đồng thời, ông đề xuất tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch để tăng cường hiểu biết giữa người dân hai nước./.
- Từ khóa:
- Việt Nam
- Mông Cổ
- quan hệ ngoại giao