Xã hội

Ký ức ngày 30/4 lịch sử: Dấu ấn đậm nét của tình quân dân

TP. Hồ Chí Minh

Thắng lợi của quân và dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Trưa 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập đã trở thành một dấu mốc lịch sử vĩ đại, không chỉ đánh dấu chiến thắng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trường kỳ để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước, kỷ nguyên độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Để giành được chiến thắng lịch sử này, ngoài tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ giải phóng còn có sự sát cánh, hỗ trợ từ quần chúng nhân dân, minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đoàn kết và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam.

* Sức mạnh đoàn kết

Ông Phạm Chánh Trực (sinh năm 1939 tại tỉnh Vĩnh Long), nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định kể lại kỷ niệm về phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân trong nội đô Sài Gòn. 
Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kể lại, ngay thời kỳ đầu kháng chiến, Đảng ta đã sớm xác định rõ phương châm chỉ đạo cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ phải phát triển theo đường lối “đẩy lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng phần tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân”. Do đó, lực lượng chiến sỹ bám địa bàn tại Sài Gòn quyết tâm gây dựng phong trào đấu tranh nhân dân thành phong trào đấu tranh trực diện với chế độ đế quốc Mỹ - Ngụy.

Từ năm 1967, lực lượng của ta thông qua Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã chủ trì và tập hợp sinh viên, nhân dân tham gia các phong trào và hoạt động chống lại chính quyền Việt Nam Cộng hòa và sự hiện diện của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Phong trào đấu tranh nhân dân trong nội đô Sài Gòn ngày càng mạnh mẽ, lòng dân hướng về Đảng và cách mạng ngày một tăng, lực lượng vũ trang của quân ta ngày càng phát triển.

Trong khi đó ở phía địch, mâu thuẫn với nhân dân và mâu thuẫn nội bộ ngày càng sâu sắc. Quá trình chuẩn bị lực lượng theo phương châm “vừa tấn, vừa xây”, tức vừa tấn công địch, vừa xây dựng, củng cố lực lượng khiến địch ngày càng rệu rã trong khi quân ta ngày càng tinh nhuệ đã đạt thành công rực rỡ. Thời điểm phát động Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng được một thế trận vững vàng với các đơn vị bộ đội địa phương, các đội biệt động, các tổ chức dân quân tự vệ, an ninh vũ trang và một lực lượng lớn bộ đội đặc công, liên tục đấu tranh bằng nhiều hình thức, gây cho địch nhiều tổn thất, hoang mang, lo sợ. Tất cả đã sẵn sàng cho cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn.

Nhận lệnh điều động của Thành ủy, cuối tháng 3/1975, ông Phạm Chánh Trực khi ấy đang là Bí thư Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định cùng một số cán bộ khác chia nhau về các địa phương, chuẩn bị kế hoạch tấn công nổi dậy giành chính quyền. Chuẩn bị cho Chiến dịch, ở nội thành và vùng ven, hàng vạn quần chúng đã được huy động; nhiều tổ chức bí mật, công khai, bán công khai được xây dựng; nhiều đội tuyên truyền xung phong với truyền đơn, áp phích được in sẵn; hàng chục vạn lá cờ giải phóng được lực lượng học sinh, sinh viên gấp rút hoàn thành. Lực lượng Biệt động thành phố trong tư thế sẵn sàng tiếp quản Sài Gòn, chiếm lĩnh bảo vệ các xí nghiệp, nhà máy… không để địch phá hoại trước khi rút chạy.

Đêm 29, rạng sáng 30/4/1975, trong thành phố nhiều nơi người dân cùng các chiến sỹ cách mạng đã sẵn sàng giành chính quyền; có nơi trời chưa sáng đã kéo cờ giải phóng, hễ nơi đâu thấy cờ giải phóng là quần chúng xuống đường hưởng ứng. Khi các binh đoàn chủ lực của Quân giải phóng tiến sát ngoại ô Sài Gòn, lực lượng quần chúng đã nhanh chóng nổi dậy phá thế kìm kẹp, gỡ đồn bốt, chiếm giữ và treo cờ giải phóng tại các trụ sở hành chính. Công nhân các xí nghiệp dệt lớn, các nhà máy đèn, nhà máy nước tiếp tục sản xuất, bảo đảm cho nhân dân thành phố được sinh hoạt bình thường.

Cùng với đó, lực lượng nòng cốt sinh viên, học sinh nội thành trong Hội Liên hiệp Thanh niên, học sinh - sinh viên giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã phát huy cao độ tinh thần tiến công địch trên mọi mặt trận; tích cực phát loa vận động binh lính ra hàng; dẫn đường, đưa quân giải phóng tiến chiếm các mục tiêu quân sự, hành chính của địch. Ngoài ra, sinh viên còn tổ chức các tổ bảo vệ tài sản, tài liệu; vận động công chức chính quyền cũ đến trình diện chính quyền cách mạng; cùng nhân dân Sài Gòn - Gia Định làm vệ sinh đường phố, xóa khẩu hiệu, tịch thu sách báo, cờ của chế độ cũ...

Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội Sài Gòn “án binh bất động”, quần chúng Sài Gòn - Gia Định đồng loạt nổi dậy trên khắp thành phố. Nhớ lại thời khắc lịch sử này, ông Phạm Chánh Trực xúc động chia sẻ, người dân từ khắp ngả ùa ra đường hò reo, gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Nhiều người chạy xe gắn máy, xe lam gọi to các chiến sỹ: “Các đồng chí lên xe để chúng tôi chở đi cho nhanh”. Khắp nơi người dân phất cao ngọn cờ giải phóng, thời khắc chiến thắng đã đến.

* Đón những người con đi xa trở về

Đại tá Trần Văn Đẩu (trái) cùng đồng đội trong thời gian thực hiện quân quản tại Sài Gòn sau giải phóng. 
Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Trong ký ức của Đại tá Trần Văn Đẩu, một trong những chiến sỹ có mặt trong đoàn xe tăng của Lữ đoàn xe tăng 203 tiến vào Dinh Độc Lập, khoảnh khắc đoàn xe tăng húc đổ cổng Dinh và hình ảnh lá cờ giải phóng bay phấp phới báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, hòa bình lập lại là hình ảnh xúc động mà cả đời ông không thể quên.

Theo dòng hồi tưởng, Đại tá Trần Văn Đẩu nhớ lại, khoảng 5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, sau khi Trung đoàn 116 vừa đánh chiếm thành công đầu cầu xa lộ Đồng Nai (một vị trí trọng yếu để tiến vào Sài Gòn và phía Nam Tổng kho Long Bình, kho vũ khí của địch), Đại đội 1 của Đại tá được lệnh tham gia cùng Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 thẳng tiến vào nội đô Sài Gòn. Khi đoàn xe vào đến khu vực ngã tư Hàng Xanh (nay thuộc quận Bình Thạnh) đã thấy người dân Sài Gòn đổ ra đường chờ đón, ở đâu có cờ giải phóng ở đó có người dân. Nhiều người dân cùng với bộ đội leo lên xe tăng, vẫy cờ Tổ quốc hát vang “Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”. Đại quân ta như được tiếp thêm sức mạnh, ào ào tiến lên như vũ bão, khí thế như chẻ tre khiến lính ngụy khiếp sợ.

Đại tá Trần Văn Đẩu (bên trái) và cựu chiến binh Nguyễn Trọng Căn nhớ lại khoảnh khắc lịch sử đoàn xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. 
Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Đại tá Trần Văn Đẩu xúc động nhớ lại, khi nghe Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố và kêu gọi binh sỹ buông súng đầu hàng vô điều kiện, tất cả chiến sỹ giải phóng đều vỡ òa trong hạnh phúc, ôm lấy nhau nhảy múa, người tung mũ, người giương cao súng, nước mắt lăn dài hạnh phúc hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Buổi trưa, đường phố Sài Gòn rợp đỏ cờ hoa, biển người hò reo mừng chiến thắng. Nhiều người còn mang trái cây đặc sản miền Nam ra đường mời bộ đội giải phóng.

Bà Huỳnh Thị Hồng Hà, khi đó mới 17 tuổi, sinh sống tại khu vực Gia Định (quận Bình Thạnh ngày nay) vẫn nhớ như in giây phút cùng gia đình và nhiều người dân hò reo chào đón đoàn xe tăng của đại quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

Theo bà Hồng Hà, từ đêm 29/4, bà đã nghe gia đình và người dân xung quanh háo hức kháo nhau rằng cách mạng đã về, Sài Gòn sắp được giải phóng. Ngày 30/4, từ sáng sớm, gia đình bà cùng đông đảo nhân dân đã đến chờ ở khu vực Hàng Xanh để đón các chiến sỹ, rồi tiếp tục chạy xe theo đoàn xe tăng tiến vào trung tâm thành phố. Nhiều người dân xung phong chạy trước để chỉ đường cho các chiến sỹ.

Bà Hà kể lại với một niềm tự hào: “Gia đình tôi cùng hòa vào dòng người, đi cùng đại quân hết tuyến phố này qua tuyến phố khác, rồi ra đến Quận 1 lúc nào không hay. Đến trưa, đoàn xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, xung quanh như vỡ òa. Người dân tay bắt mặt mừng tiếp đón bộ đội như đón những người con xa trở về sau bao năm dài xa cách. Sài Gòn khi ấy như khoác lên mình một khí thế mới, không còn thấy một người Mỹ, một tên lính Ngụy nào mà chỉ có màu áo xanh thắm của chiến sỹ ta cùng màu cờ cách mạng. Đất nước đã hòa bình”.

Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của quân và dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người; đồng thời đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tinh thần thời đại sâu sắc./.(Hết)

Võ Gia Hồng Giang

Tin liên quan

Xem thêm