An sinh

Phú Thọ: Giúp người dân vùng sạt lở an cư lạc nghiệp

Phú Thọ

Tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, xây dựng các khu tái định cư an toàn, góp phần giúp bà con yên tâm “an cư lạc nghiệp”, ổn định đời sống, phát triển sản xuất.

Khu tái định cư khu Nhàng, xã Kim Thượng ổn định cho hơn 200 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ Sạt Lở
Ảnh: Tạ Toàn - TTXVN

Tỉnh Phú Thọ đã huy động nhiều nguồn lực, tập trung chỉ đạo quyết liệt di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, xây dựng các khu tái định cư an toàn, góp phần giúp bà con yên tâm “an cư lạc nghiệp”, ổn định đời sống, phát triển sản xuất.

* Cuộc sống mới ở những khu tái định cư

Tân Sơn huyện miền núi còn nhiều khó khăn của Phú Thọ có địa hình đồi dốc, chịu nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu và thiên tai gây mất an toàn cho người dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã triển khai quyết liệt các chương trình hỗ trợ tái định cư cho người dân vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Theo con đường nhựa phẳng lì, uốn lượn quanh những quả đồi xanh ngát của núi rừng Vườn quốc gia Xuân Sơn, chúng tôi tìm về bản người Dao xóm Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn. Những nếp nhà sàn, nhà xây kiên cố vừa được xây mới mọc lên san sát, khang trang và vững chãi. Đường bê tông đã nối liền các xóm, bản, điện thắp sáng từng mái nhà, nước sạch về tận bếp. Cuộc sống mới đang dần ổn định, mở ra hy vọng về một tương lai tươi sáng và bền vững hơn giữa núi rừng đại ngàn.

Trong căn nhà sàn hai tầng rộng rãi, sạch sẽ, anh Lý Văn Hùng, người dân tộc Dao, xã Xuân Sơn phấn khởi kể lại: "Trước đây, gia đình tôi sống trong khu vực đồi dốc, mỗi mùa mưa là nơm nớp lo sạt lở. Từ khi chuyển đến nơi ở mới bằng phẳng, rộng rãi, tôi tận dụng mặt bằng mở cửa hàng tạp hóa và quán ăn. Có thêm thu nhập, con cái cũng được học hành đàng hoàng, cuộc sống ổn định hơn nhiều so với trước…".

Bà Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết, sau đợt thiên tai năm 2018, xã Xuân Sơn có 46 hộ dân trên địa bàn xã phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất. Ngay sau đó, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng vào cuộc thực hiện vận động di dân đến nơi ở an toàn. Nhờ đó, hầu hết các hộ trong danh sách nguy cơ sạt lở cao đã được bố trí tái định cư. Đến nay, đã có 30 hộ nhận đất tại khu tái định cư xóm Dù, 21 hộ đã làm nhà và chuyển đến sinh sống ổn định, 9 hộ còn lại đã nhận đất nhưng chưa có điều kiện xây dựng nhà do hoàn cảnh kinh tế khó khăn…

“Chính quyền xã đang tiếp tục vận động các hộ dân còn lại nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đến khu đã tái định cư mới, đồng thời đề xuất, kiến nghị lên huyện, tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho các hộ sớm chuyển ra khu ở mới trước mùa mưa bão” bà Yến cho biết thêm.

Khu tái định cư xã Xuân Sơn
Ảnh: Tạ Toàn - TTXVN

Chia tay khu tái định cư người Dao, xóm Dù, xã Xuân Sơn, theo con đường dốc dựng đứng, một bên là núi, một bên là vực thẳm, chúng tôi về khu tái định cư xóm Nhàng của đồng bào người dân tộc Mường, xã Kim Thượng. Hơn 60 căn nhà 2 tầng đang dần hiện ra như một bức tranh thủy mặc giữa màu xanh của núi rừng bao quanh.

Bà Hoàng Thị Tới, xóm Nhàng, xã Kim Thượng chia sẻ, nhờ các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ bố trí chỗ ở mới, gia đình bà cùng nhiều hộ dân khác đã ổn định cuộc sống trở lại, không còn cảnh lo sợ sạt lở đất, đá khi vào mùa mưa bão. Nhà nước còn quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông, điện thắp sáng, nước sạch để phục vụ người dân.

Mới đây, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (bão Yagi), hàng chục hộ dân sống dọc ven đồi, xã Kim Thượng đã phải di dời đến nơi an toàn để tránh trú. Anh Hà Văn Nhích, xóm Nhàng cho biết, gia đình anh sống ngay sát chân đồi Nhàng, nguy hiểm luôn rình rập. Nay, có khu tái định cư mới, gia đình đã được chính quyền hỗ trợ kinh phí di chuyển, xây dựng nhà mới. Đường đi, điện lưới, công trình nước cũng được xây dựng để phục vụ bà con. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân đã ổn định trở lại và yên tâm làm ăn phát triển kinh tế…

* Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Khu tái định cư khu Nhàng, xã Kim Thượng ổn định cho hơn 200 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ Sạt Lở

Ảnh: Tạ Toàn - TTXVN

Các khu tái định cư như ở xóm Dù, khu Nhàng (huyện Tân Sơn) hay Dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở xã Khả Cửu (huyện Thanh Sơn)… hôm nay như được “thay da đổi thịt” với những mái nhà xanh, đỏ tươi giữa rừng xanh. Từng ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khang trang, phản ánh sự đổi thay mạnh mẽ trong cuộc sống của người dân sau khi chuyển đến nơi ở mới. Không chỉ có chỗ ở an toàn, người dân còn chủ động xây dựng, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Trần Tấn Giang, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Quy hoạch và Cơ sở hạ tầng huyện Tân Sơn cho biết, năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và huyện Tân Sơn đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư, phê duyệt Dự án tái định cư xóm Dù, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng trên diện tích 3,6 ha để bố trí ổn định cho các hộ dân trong xã có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Đối với Dự án tái định cư khu Nhàng, huyện đã khởi công cuối năm 2022, với tổng mức đầu tư trên 34,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tái định cư vùng sạt lở ở Phú Thọ vẫn còn không ít khó khăn. Một phần là do nguồn lực của người dân còn hạn chế, chưa đủ khả năng xây dựng nhà ở dù đã có đất. Mặt khác, một số người đã quen sống ở nơi cũ, tâm lý chưa sẵn sàng thích nghi với môi trường mới. Ngoài ra, sau khi ổn định chỗ ở, việc phát triển sinh kế, tạo thu nhập bền vững cho người dân cũng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Thiếu vốn, kỹ thuật sản xuất và mô hình kinh tế phù hợp... khiến nhiều hộ còn lúng túng trong việc làm ăn, phát triển kinh tế sau tái định cư.

Để bảo đảm an cư cho người dân vùng sạt lở, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tỉnh ưu tiên rà soát, quy hoạch các khu tái định cư an toàn, có điều kiện hạ tầng thiết yếu như điện, nước, đường giao thông, trường học… đáp ứng cơ bản về hạ tầng cơ sở ở những khu tái định cư mới, tạo điều kiện để người dân đến nơi ở mới được an toàn, sớm ổn định cuộc sống... Ngoài ra, tỉnh cũng huy động nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, xã hội hóa để hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài. Các giải pháp sinh kế bền vững cũng được chú trọng như hỗ trợ cây, con giống, đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ nhằm nâng cao thu nhập, giảm nguy cơ tái nghèo sau tái định cư theo phương châm không chỉ có nhà ở an toàn, mà còn phải giúp cuộc sống người dân thực sự ổn định và phát triển.../.

PV

Xem thêm