Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm đến phát triển lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số.
Tỉnh Lai Châu vừa tổ chức khai trương Trung tâm Giám sát, an ninh mạng và Điều hành thông minh, sự kiện đánh dấu bước chuyển mới trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh.
Theo đó, Trung tâm có chức năng triển khai, tích hợp toàn bộ các sự kiện an ninh thông tin từ hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm: Máy chủ, ứng dụng, cơ sở dữ liệu, hạ tầng giải pháp bảo mật (firewall, WAF, giải pháp phòng chống mã độc…). Từ đó, tương quan, cung cấp dữ liệu để đội ngũ chuyên gia của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và cán bộ của tỉnh Lai Châu phân tích, đánh giá nhằm phát hiện các hành vi bất thường. Mỗi cuộc tấn công mạng khác nhau sẽ có kịch bản ứng phó, bước xử lý phù hợp để kịp thời ngăn chặn, xử lý tương ứng. Trung tâm phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm trên không giang mạng. Việc đưa vào hoạt động Trung tâm giúp Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm không gian mạng Quốc gia, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ngoài ra, để điều hành thông minh, Trung tâm hoạt động dựa trên 9 phân hệ: Thu thập và phân tích các chỉ số kinh tế - xã hội, từ đó hỗ trợ công tác quy hoạch, điều hành và phát triển kinh tế của tỉnh. Trung tâm thực hiện giám sát và đánh giá các dịch vụ công trực tuyến; quản lý văn bản; tích hợp dữ liệu từ hệ thống camera an ninh trên toàn tỉnh; đồng thời phản ánh hiện trường, tích hợp dữ liệu hệ thống giám sát giao thông, thông tin trên môi trường mạng; theo dõi hoạt động của cơ sở giáo dục và hoạt động y tế...
Với nền kinh tế số, xã hội số, việc giám sát, điều hành đô thị thông minh có ý nghĩa quan trọng nhằm quản lý nền kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cung cấp 2.010 dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng, thiết lập Trung tâm lưu trữ điện tử và giám sát an ninh mạng (SOC). Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 44,6 lần tổng sản phẩm (GRDP). Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 43,7%. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 58%/năm và giá trị giao dịch đạt 65%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch qua kênh internet đạt 22%/năm.
Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm đến phát triển lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số. Tỉnh đã tập trung xây dựng, ban hành thể chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn. Tuy nhiên, công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Lai Châu so với các tỉnh, thành phố những năm gần đây đều đứng ở thứ hạng trung bình, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ thông tin truyền thông từ tỉnh đến huyện còn thiếu.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương cho biết, thực hiện công tác chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25/02/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 983/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Lai Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Hiện, trên địa bàn tỉnh, sóng điện thoại di động băng rộng được phủ cơ bản rộng khắp các khu vực dân cư; sóng 5G đã được Viettel Lai Châu triển khai từ tháng 5/2024; hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát triển nhanh.
Tỉnh đã chỉ đạo thành lập Tổ Chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng từ cấp tỉnh đến các thôn, bản, tổ dân phố. Chính quyền số được triển khai góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính quyền của tỉnh: 100% cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp được triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành liên thông 4 cấp (Trung ương - Tỉnh - Huyện - Xã). Tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến tăng cao.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả lĩnh vực Thông tin và Truyền thông trên địa bàn, Lai Châu đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, hỗ trợ tỉnh về chuyên môn trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông; hướng dẫn cụ thể cách xác định, đánh giá một số chỉ tiêu về kinh tế số - xã hội số tại địa phương...
Tỉnh đề nghị quan tâm đầu tư bổ sung trạm BTS 5G cho thành phố Lai Châu và một huyện trọng điểm du lịch để người dân được trải nghiệp dịch 5G, thúc đẩy được dịch vụ du lịch phát triển; nghiên cứu chương trình hỗ trợ smartphone và gói cước data cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để phổ cập smartphone; cung cấp tài liệu về chuyển đổi số một cách bài bản, phù hợp…
- Từ khóa:
- Lai Châu
- công nghệ
- chuyển đổi số
- thông tin
- truyền thông