Luật Dược 2016 được thông qua nhằm thay thế Luật Dược 2005, tạo bước tiến trong việc quản lý và phát triển ngành dược. Tuy nhiên, trước những thay đổi và thách thức mới, Luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
Ngày 23/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Ủy ban xã hội của Quốc hội, Hội Dược học Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Sự kiện có các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước, cùng đại diện các Sở Y tế địa phương tham dự.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Dược trong hệ thống pháp luật y tế của Việt Nam. Theo đó, Luật Dược 2016 được thông qua nhằm thay thế Luật Dược 2005, tạo bước tiến trong việc quản lý và phát triển ngành dược. Qua hơn 8 năm triển khai, Luật đã đóng góp tích cực vào việc cung ứng đủ thuốc có chất lượng, với giá cả hợp lý, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dược trong nước. Tuy nhiên, trước những thay đổi và thách thức mới, Luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Dược lần này là yêu cầu tất yếu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược, khắc phục bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý mới.
Tiến sỹ Phan Xuân Dũng cũng chỉ ra một số vấn đề hiện nay đối với các chính sách về dược như: Chưa có sự cải cách mạnh mẽ trong thủ tục hành chính đối với đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc; quản lý chất lượng thuốc còn hạn chế; chưa có chính sách phát triển công nghiệp dược mang tính đột phá; quản lý giá thuốc còn chưa sát thực tiễn; một số quy định về kinh doanh và quảng cáo thuốc tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Tiến sỹ Phan Xuân Dũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Dược là hết sức cần thiết để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng thời khắc phục bất cập trong luật hiện hành. Quốc hội khóa XV đã đưa việc sửa đổi Luật Dược vào chương trình xây dựng luật.
Dự thảo Luật sửa đổi lần này được xây dựng trên cơ sở 5 chính sách lớn đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 này. Các nhóm nội dung chính tập trung vào việc cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho người dân, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai; nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu thuốc; phát triển công nghiệp dược và công nghệ sản xuất thuốc trong nước; cải tiến hệ thống kinh doanh và phân phối thuốc phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chia sẻ một số quan điểm trong dự thảo Luật, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về Dược học (Hội Dược học Việt Nam), đề xuất phải phân định rõ trách nhiệm giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính trong quản lý giá thuốc. Ông cho rằng, tại điểm c, d khoản 26 Điều 2 về quản lý thuốc độc, cần có quy định chặt chẽ để phân biệt thuốc dùng cho con người và hóa chất dùng trong chăn nuôi, thủy sản. Việc nhập khẩu thuốc phải được kiểm soát kỹ lưỡng, đảm bảo không có tình trạng sử dụng sai mục đích. Ông cho rằng, các chế tài về quản lý nhập khẩu thuốc phải nghiêm ngặt hơn để tránh những trường hợp thuốc không được sử dụng đúng mục đích.
Phó Giáo sư Truyền Lê Văn Truyền chia sẻ thêm, Luật Dược hiện hành chưa có quy định về một cơ quan quản lý dược riêng biệt và cũng chưa có chương nào về mô hình cơ quan quản lý dược. Điều này rất quan trọng vì dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và cần được quản lý nghiêm ngặt hơn.
Bên cạnh đó, đại diện Hội doanh nghiệp dược đã chia sẻ những khó khăn các doanh nghiệp gặp phải sau khi Luật Dược 2016 được ban hành, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định mới về kiểm soát chất lượng thuốc. Các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật nhằm giảm bớt khó khăn và tăng tính khả thi trong sản xuất, kinh doanh thuốc.
Nhóm chuyên gia từ Đại học Dược Hà Nội cũng đóng góp ý kiến về việc sửa đổi một số điều khoản liên quan đến quá trình bán thuốc. Cụ thể, tại Điều 16 của Luật Dược 2016, các chuyên gia đề xuất cần sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 16 Luật Dược 2016 để đảm bảo việc bán thuốc trực tuyến được minh bạch và cơ sở bán lẻ thuốc cần được cấp phép hoạt động. Đồng thời, có biện pháp quản lý đối với các cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc, đảm bảo người dân tiếp cận thuốc một cách thuận tiện và minh bạch, đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số.
Các đại biểu thống nhất cao về việc cần tạo ra một Luật Dược hoàn thiện, vừa hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam, vừa nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo được tổng hợp và báo cáo lên Quốc hội để đóng góp cho qua trình hoàn thiện dự thảo Luật./.