Môi trường

Làm rõ cơ chế, chính sách về tài nguyên nước

Hải Phòng

Hội nghị nhằm giới thiệu tổng quan và những điểm mới của Luật Tài nguyên nước 2023; các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật .

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chỉ đạo tại Hội nghị.
 Ảnh: Diệu Thúy - TTXVN

Nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức về Luật Tài nguyên nước 2023, đồng thời đảm bảo công tác triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các quy định pháp luật mới về tài nguyên nước, ngày 21/6, tại Hải Phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức "Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật".

Hội nghị nhằm giới thiệu tổng quan và những điểm mới của Luật Tài nguyên nước 2023; các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật tài nguyên nước 2023. Đây cũng là dịp đối thoại đa phương giữa các nhà làm chính sách; dại diện các bộ, ngành liên ngành; chính quyền địa phương về những thách thức và ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới...

Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết được ban hành, đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là còn nhiều thách thức. Với 10 Chương và 86 Điều, Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Trong số này, đảm bảo an ninh nguồn nước và thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới được xem là một trong những chính sách ưu tiên của Chính phủ Việt Nam hướng tới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh giải thích các quy định pháp luật mới về tài nguyên nước.
Ảnh: Diệu Thúy - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước mới đã được hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng. Các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật tài nguyên nước 2023 gồm 2 Nghị định và 3 Thông tư. Cụ thể, ngày 16/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Ngày 16/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước. Các văn bản này sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực tế và cùng hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.

Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước chia sẻ những nội dung mới của Luật.
Ảnh: Diệu Thúy - TTXVN

Để có hành lang pháp lý cụ thể, ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung nhiều nội dung liên quan đến phục hồi các dòng sông để đảm bảo tính khoa học, khả thi bằng việc quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước, là cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm (Điều 34, 72 và 74).

Đồng thời, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết" nhằm tái sinh nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái. Kèm theo các quy định của Luật là các chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy thông qua việc xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ một số nội dung có thể có cách hiểu khác nhau, giới thiệu các dự án quản lý nước xuyên biên giới quốc tế; cơ hội tái cơ cấu và thành lập tổ chức lưu vực sông; chia sẻ các khó khăn, thách thức về tài nguyên nước tại các sông xuyên biên giới./.

Trần Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm