Môi trường

Việt Nam - Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác ưu tiên về biến đổi khí hậu

Để thực hiện những cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050.

Quang cảnh Cuộc họp.
Ảnh: TTXVN phát

Ngày 20/6, Cuộc họp lần thứ nhất Nhóm công tác chung hợp tác về Biến đổi khí hậu Việt Nam – Hàn Quốc đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và bà Hyoeun Jenny Kim, Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cùng chủ trì Cuộc họp.

Phát biểu khai mạc Cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), lãnh đạo Chính phủ của Việt Nam và Hàn Quốc cùng với hơn 140 quốc gia khác đã tuyên bố nỗ lực giảm phát thải trong nước để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để thực hiện những cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó đưa ra các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu cũng như các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Ngoài việc hoàn thành khung pháp lý trong nước, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thỏa thuận với các quốc gia trên thế giới nhằm chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Thỏa thuận khung với Hàn Quốc được ký kết vào năm 2021 là một trong những thỏa thuận quan trọng, mang tính định hướng cho các hành động khí hậu.

Chia sẻ về thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Thứ trưởng Lê Công Thành nhận định: Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, hướng tới mục tiêu năm 2030 trở thành một nước có thu nhập trung bình cao. Vì vậy, theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2022 mà Việt Nam đã gửi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, đến năm 2030, Việt Nam cam kết sẽ giảm 15,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Đây là một công cụ pháp lý quan trọng để quản lý tín chỉ carbon cũng như hình thành và vận hành thị trường carbon ở Việt Nam. Theo lộ trình, năm 2025, Việt Nam sẽ vận hành thí điểm thị trường carbon trong nước và vận hành chính thức từ năm 2028. Dù vậy, hoạt động trao đổi tín chỉ carbon với các quốc gia khác đã được triển khai từ nhiều năm nay.

Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị COP 29 sắp tới với kỳ vọng các Bên sẽ thống nhất mục tiêu tài chính khí hậu mới, rõ ràng và minh bạch hơn. Về thị trường carbon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris, Việt Nam hy vọng các Bên sẽ thống nhất các quy tắc, quy trình triển khai các hợp tác song phương về trao đổi tín chỉ carbon.

Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn, Hàn Quốc sẽ chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm để Việt Nam có thể đẩy nhanh hơn nữa việc hình thành thị trường carbon trong nước, cũng như là việc trao đổi carbon quốc tế nói chung và thỏa thuận song phương với Hàn Quốc nói riêng.

Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Hyoeun Jenny Kim nhấn mạnh, việc triển khai Thỏa thuận khung hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu giữa Việt Nam – Hàn Quốc có sự tham gia tích cực của nhiều Bộ, ngành hai nước. Điều đó chứng tỏ quan hệ hợp tác còn rất nhiều tiềm năng và cần phát huy, đặc biệt là về thị trường carbon theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.

Năm 2021, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 14 trên thế giới ban hành Đạo luật cơ bản về cắt giảm khí thải carbon. Mục tiêu năm 2030 của Hàn Quốc là cắt giảm 40% lượng khí thải nhà kính so với năm 2018. Hàn Quốc vẫn đang nỗ lực để thực hiện được những cam kết tại Hội nghị COP, đến năm 2030 sẽ tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo. Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Hyoeun Jenny Kim cho biết, hiện nay, Hàn Quốc đang hoàn thiện báo cáo đầu tiên liên quan đến việc thực hiện Thỏa thuận Paris và chắc chắn có thể nộp cho Liên hợp quốc đúng hạn. Hàn Quốc cố gắng để có thể cập nhật mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định theo hướng tích cực hơn trên cơ sở khoa học và có tính khả thi cao.

Tại Cuộc họp, đại diện các Bộ của Việt Nam đã đề xuất các hoạt động hợp tác song phương. Trong đó, Bộ Công Thương đề nghị phía Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và vận hành Hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra cho các hành động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp của Hàn Quốc, tập trung vào các giải pháp chuyển dịch năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Bộ Xây dựng đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng văn bản, tài liệu hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn và tăng cường năng lực về phát triển các công trình xây dựng, đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị phát thải carbon thấp hướng đến trung hòa carbon; hỗ trợ kỹ thuật về phát triển sản xuất, sản phẩm vật liệu xây dựng phát thải carbon thấp…

Bộ Giao thông vận tải đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng công nghệ thi công xanh trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện thí điểm về đánh giá rủi ro và đề xuất các biện pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tại một số cảng biển Việt Nam; xây dựng tiêu chuẩn, thử nghiệm và chứng nhận xe điện, thử nghiệm tiêu chuẩn năng lượng xe điện; triển khai thành lập, xây dựng, quản lý vận hành Trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia…

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc về công nghệ lưu giữ CO2 trong môi trường biển; công nghệ phát triển thực vật hấp thụ CO2; hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về việc thành lập và vận hành sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon…

Bộ Ngoại giao đề nghị Hàn Quốc có thể hỗ trợ Việt Nam đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu P4G năm 2025 trực tiếp tại Việt Nam; đồng thời ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy mở rộng trụ cột đổi mới sáng tạo.

Phía Hàn Quốc cũng đề xuất các dự án liên quan tới giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có sản xuất gạch không nung, điện mặt trời áp mái, sử dụng nhiên liệu sinh khối trong nồi hơi công nghiệp, tái chế chất HFC, than sinh học, hệ thống vận hành, bảo dưỡng điện gió; điện sinh khối từ trấu…/.

Nguyễn Thị Hồng Điệp

Xem thêm