Tác động của Luật Đất đai 2024 đến kinh tế, luật pháp, quản lý và phát triển bền vững
Luật có nhiều điểm mới, phù hợp thực tiễn quản lý và sử dụng đất, có tác động đến nhiều lĩnh vực, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Ngày 21/6, tại Phân hiệu Vĩnh Long, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Kinh tế, luật, quản lý và phát triển bền vững dưới tác động của Luật Đất đai năm 2024".
Hội thảo bao gồm một phiên tổng thể và 3 phiên thảo luận song song. Trong đó, tại phiên tổng thể, các chuyên gia từ các Bộ, ngành trong lĩnh vực luật, kinh tế và quản lý nhà nước đã chia sẻ góc nhìn mới liên quan đến Luật Đất đai năm 2024 bao gồm: Quyền thuê trong hợp đồng thuê đất - một trong những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024; vấn đề đặt ra và giải pháp cho công tác quyết định giá đất cụ thể khi thực hiện Luật Đất đai 2024. Ba phiên thảo luận song song với các chủ đề gồm: Luật Đất đai năm 2024 trong xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước; Luật Đất đai 2024 - cơ hội và thách thức với phát triển kinh tế - xã hội và môi trường; kinh tế tài nguyên đất và kinh doanh bất động sản dưới góc độ Luật Đất đai.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật có nhiều điểm mới, phù hợp thực tiễn quản lý và sử dụng đất, có tác động đến nhiều lĩnh vực, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Tại Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Đắc Nhẫn đã giới thiệu một số nét cơ bản của Luật Đất đai năm 2024, những điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013, trong đó, đặc biệt thông tin những vấn đề cơ bản về Quyền thuê trong hợp đồng thuê đất - một trong những điểm mới của Luật này. Các quy định về quyền thuê trong hợp đồng thuê đất cùng với các điểm mới trong Luật Đất đai năm 2024 sẽ là căn cứ pháp lý đầy đủ, toàn diện để khơi thông, giải phóng nguồn lực đất đai, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chính sách pháp luật về đất đai đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển quốc gia. Luật Đất đai năm 2024 dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thay thế Luật Đất đai năm 2013 nhằm tối ưu hóa quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, đồng thời đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng, môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của đất nước.
Hội thảo quốc gia với chủ đề “Kinh tế, luật, quản lý và phát triển bền vững dưới tác động của Luật Đất đai năm 2024" do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nghiên cứu và chuyên gia tìm hiểu, thảo luận về tác động của Luật này đến các vấn đề kinh tế, luật pháp, quản lý và phát triển bền vững của đất nước. Hội thảo thu hút sự quan tâm với nhiều tham luận từ các nhà khoa học, nghiên cứu và chuyên gia liên quan chủ đề, qua đó phân tích, nhận định và đưa ra những giải pháp phù hợp để thích ứng, tận dụng tốt nhất cơ hội Luật Đất đai 2024 mang lại. Thông qua Hội thảo nhằm đóng góp những thông tin, giải pháp có giá trị để thực thi hiệu quả Luật Đất đai 2024, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam./.