Thăm làng nghề gốm Gia Thủy những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 mới thấy được hết không khí lao động khẩn trương, tất bật của vùng quê trù phú này.
Từ những cục đất vô tri, qua bàn tay của các nghệ nhân làng nghề gốm Gia Thủy, đã biến thành những chiếc chum, vại, ấm, chén, lọ hoa... là những sản phẩm thủ công đặc sắc đi đến mọi miền của đất nước. Hơn 60 năm qua, làng nghề gốm Gia Thủy, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình luôn đỏ lửa để cho ra đời những sản phẩm gốm đặc trưng, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng.
* Giữ gìn hồn cốt Việt
Thăm làng nghề gốm Gia Thủy những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 mới thấy được hết không khí lao động khẩn trương, tất bật của vùng quê trù phú này. Tại Hợp tác xã sản xuất sành gốm Gia Thủy, thuộc thôn Mỹ Thịnh, xã Gia Thủy luôn có hàng chục lao động ngày đêm nhào nặn, tạo hình và cho ra đời nhiều sản phẩm sành gốm truyền thống.
Từ phía cổng của nơi sản xuất, điều dễ nhận ra nhất là tấm biển lớn ghi dòng chữ "Cơ sở sản xuất sành gốm Gia Thủy" được treo trang trọng, nổi bật giữa những đống đất sét cao ngang mái nhà. Những đống đất còn nguyên mùi "thôn quê" mới được tập kết về cơ sở để chuẩn bị nguyên liệu cho những mẻ gốm phục vụ đơn hàng lớn. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào, là nguồn tài nguyên riêng có tại vùng đất Gia Thủy hơn nửa thế kỷ qua.
Tiến sâu vào khu vực sản xuất của cơ sở, hàng chục người lao động với các công việc khác nhau, từ việc đập nhỏ, ngâm đất đến phơi đất, nhào nặn, tạo hình, đắp, vẽ hoa văn trang trí đều được các nghệ nhân thực hiện rất thuần thục.
Cầm trên tay những dụng cụ bị mài mòn theo năm tháng, ông Lê Văn Huân, xã viên Hợp tác xã sành gốm Gia Thủy thoăn thoắt xoa xoa, đập đập, gắn những bộ phận riêng lẻ thành hình chiếc chum dung tích 200 lít tròn trịa, dầy dặn, sẵn sàng mang đi phơi khô để đưa vào lò nung.
Tại cơ sở sản xuất, từ những sản phẩm nhỏ nhắn như chiếc lọ đốt hương trầm, ấm, chén, bầu đựng rượu, lọ hoa đến những chiếc vại, chiếc chum lớn dung tích 300 lít đều trải qua nhiều giai đoạn thi công khác nhau, là công sức lao động hợp thành của nhiều người. Với 65 năm tuổi đời, gần 40 năm gắn bó với nghề, ông Huân chia sẻ, trong quy trình làm gốm, khâu nào cũng đều quan trọng. Mọi người cũng quen việc của mình rồi nên sự phối ghép giữa các khâu đều rất ăn khớp, ít khi có sản phẩm phải làm lại.
Cũng như ông Huân, các xã viên hợp tác xã đều xác định gắn bó lâu dài với nghề gốm bởi công việc ổn định và mang lại nguồn thu đều đặn cho gia đình. Làm nghề gốm bận quanh năm, đặc biệt là các tháng gần Tết, nhiều khi chỉ có rất ít thời gian để nghỉ ngơi, đặc biệt là công việc giữ nhiệt lò, khi đã nung gốm thì nhiệt độ của lò bao giờ cũng phải giữ độ ổn định. Một mẻ gốm phải nung từ 4 đến 5 ngày - đêm liên tục.
Ông Huân tự hào cho biết, dù ở thời điểm nào trong năm, ngọn lửa lò của hợp tác xã cũng không bao giờ tắt. Hiện nay, mẫu mã sản phẩm đa dạng hơn, thế hệ trẻ giờ tiếp thu rất nhanh nên việc truyền nghề, dạy nghề thuận lợi. Công nghệ xưa là thủ công nhưng giờ có máy móc thay sức lao động nên không vất vả như xưa nữa.
* Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm
Từng bước chinh phục thị trường và khẳng định thương hiệu, trong nhiều năm trở lại đây, các đơn hàng lớn tại Hợp tác xã được ký kết đều đặn, nhờ đó sản lượng của cơ sở luôn đạt từ 70.000 đến 80.000 sản phẩm/năm. Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Hợp tác xã sành gốm Gia Thủy cho biết, nghề gốm gia truyền do các cụ truyền lại, con cháu và địa phương tiếp tục giữ gìn và phát triển làng nghề. Hiện, Hợp tác xã có hơn 50 lao động, trong đó gần nửa số lao động đã được công nhận là nghệ nhân với hàng chục năm gắn bó với nghề, mức thu nhập bình quân từ 8 đến 9 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hùng cho biết, với những nỗ lực không ngừng, năm 2021, sản phẩm bình cắm hoa của Gia Thủy được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và được nâng lên 4 sao vào năm 2022. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cấp, ngành vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ông Hùng chia sẻ, việc được công nhận là sản phẩm OCOP chính là chìa khóa để cơ sở tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới trong đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ tiếp tục đạo tạo nghề, nâng cao tay nghề cho các xã viên, huy động nguồn lực đầu tư thêm máy móc để mở rộng quy mô sản xuất cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.
Khẳng định vai trò của nghề làm gốm trong cơ cấu kinh tế và những đóng góp của nghề này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông Đinh Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy cho biết, làng nghề gốm xã Gia Thủy được hình thành từ những năm 1960, trải qua bao thăng trầm, làng nghề gốm đến nay đã khẳng định được vị thế và không ngừng phát triển. Hiện, cơ sở sản xuất của Hợp tác xã sản xuất sành gốm Gia Thủy cung ứng ra thị trường 6 mặt hàng chính, được khách hàng gần xa ưa chuộng.
Đảng ủy, chính quyền Gia Thủy luôn đánh giá cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã sành gốm Gia Thủy, đóng góp ổn định vào nền kinh tế của xã và tạo nhiều việc làm cho nhân dân. Để duy trì làng nghề và thúc đẩy hợp tác xã phát triển, Đảng ủy, chính quyền xã rất quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã như: Tạo điều kiện cho xã viên vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như quy hoạch vùng nguyên liệu để đảm bảo nguyên liệu cho hợp tác xã. Hằng năm, UBND xã hỗ trợ cơ sở sản xuất tham gia nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm.
Dự kiến tới đây, Hợp tác xã được hỗ trợ xây dựng 1 gian trưng bày sản phẩm ngay tại cơ sở sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất ra các diện tích xung quanh. Đây sẽ là cơ hội để làng nghề gốm Gia Thủy tiếp tục mở rộng sản xuất, nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm mới phục vụ nhu cầu khách hàng gần xa./.
- Từ khóa:
- Làng gốm Gia Thủy
- huyện Nho Quan
- Ninh Bình