Xã hội

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải đáp các vấn đề trẻ em quan tâm

Kiên Giang

Với chủ đề “Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Diễn đàn năm nay có sự tham gia của 122 đại biểu đại diện cho hơn 409.000 trẻ em trong tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tặng quà cho học sinh tham gia Diễn đàn trẻ em. 
Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Diễn đàn trẻ em năm 2024 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức ngày 1/7 đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của trẻ em các huyện, thành phố trong tỉnh về những vấn đề “nóng” của xã hội có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em.

Với chủ đề “Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Diễn đàn năm nay có sự tham gia của 122 đại biểu đại diện cho hơn 409.000 trẻ em trong tỉnh. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động tiếp nối Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Tại diễn đàn, bà Lê Hồng Thắm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết, hằng năm, cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, chính quyền các cấp luôn dành sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức diễn đàn trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ giao lưu, học tập, nói lên ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến trẻ. Nhờ đó, hoạt động đã thực sự đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả, chất lượng.

Để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em được thực hiện tốt hơn thời gian tới, bà Lê Hồng Thắm đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chuyên môn, Thường trực UBND các huyện, thành phố phát huy tối đa quyền tham gia của trẻ em; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để kịp thời giải đáp thắc mắc, các vấn đề trẻ quan tâm; có kế hoạch, hành động cụ thể, thiết thực hơn nhằm thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn viên, hội viên trong việc chung tay chăm lo cho trẻ em; chú trọng và thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ...

Tiết mục thảo luận, kiến nghị của trẻ em tại Diễn đàn. 
Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Tại phiên thảo luận và gặp gỡ đối thoại, các đại biểu trẻ em tham gia thảo luận, đóng góp sáng kiến, kiến nghị về các nội dung: Tình trạng và công tác phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực trẻ em trên không gian mạng và xâm hại trẻ em; phòng, ngừa, giảm thiểu tai nạn thương tích, đuối nước, tai nạn giao thông; bảo vệ trẻ em, tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động và công tác phòng, chống; tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên và công tác phòng, ngừa; xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn cho trẻ; quyền học tập của trẻ; giải pháp ngăn ngừa tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, má túy đá trong thanh thiếu niên; tăng cường quản lý đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng điện thoại…

Em Trần Ngọc Bảo Thy, học sinh Trường Trung học cơ sở thị trấn Thứ 11, huyện An Minh chia sẻ, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, em thấy gần đây có rất nhiều vụ bạo lực học đường và bạo lực ngôn từ xúc phạm, làm tổn thương trẻ em. Đặc biệt, có một số trường hợp vì không chịu nổi áp lực của mạng xã hội đã nghĩ quẩn và tìm đến cái chết. Vì vậy, em rất mong có những giải pháp căn cơ, đồng bộ để chấm dứt vấn nạn bạo lực học đường và bạo lực trẻ em trên không gian mạng.

Em Nguyễn Gia Khang, học sinh Trường Trung học cơ sở Dương Đông, thành phố Phú Quốc cho rằng tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy và các chất kích thích, sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng có xu hướng gia tăng. Điều này dẫn đến hệ lụy không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến vi phạm pháp luật. Cùng với đó, hầu hết trẻ em được gia đình cho sử dụng điện thoại thông minh khá sớm, khiến một số trẻ nghiện game hoặc nghe, xem được nhiều thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển trí não, hành vi.

“Trước những hệ lụy rất nguy hiểm từ việc thiếu niên sử dụng ma túy, hút thuốc lá điện tử và trẻ em sử dụng điện thoại mất kiểm soát, em mong lực lượng chức năng tăng cường tham mưu ban hành những quy định nghiêm cấm hoặc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử phạt, có giải pháp căn cơ trong ngăn chặn việc mua bán, sử dụng ma túy, thuốc lá điện tử. Các phụ huynh kiểm soát tốt việc sử dụng điện thoại của trẻ em”, Gia Khang kiến nghị.

Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể đã trao đổi trực tiếp để giải đáp những thắc mắc, cung cấp nhiều thông tin liên quan, đồng thời đưa ra một số giải pháp giải quyết các vấn đề các em quan tâm./.

Trần Văn Sĩ

Xem thêm