Hoạt động tội phạm mua bán người ở khu vực biên giới diễn biến phức tạp, với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, để lại nhiều hệ lụy cho người dân, gia đình và xã hội.
Ngày 1/7, tại Nhà Văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu) diễn ra Hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người.
Hội nghị được tổ chức với sự phối hợp của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Văn phòng Bộ Công an, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, nhân Tháng hành động phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7).
Những năm qua, hoạt động tội phạm mua bán người ở Việt Nam nói chung và khu vực biên giới nói riêng diễn biến phức tạp. Các đối tượng có sự câu kết, móc nối trong và ngoài nước. Các đường dây mua bán người xuyên quốc gia với những phương thức, thủ đoạn tinh vi như: Lấy danh nghĩa công ty môi giới hôn nhân, môi giới lao động, sử dụng các nền tảng trực tuyến để tiếp cận lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục; lợi dụng các quy định về y tế, nhân đạo, cho nhận con nuôi, mang thai hộ để bán trẻ sơ sinh…
Đặc biệt, gần đây nổi lên các hoạt động của các đối tượng người Việt tại nước ngoài câu kết với đối tượng trong nước sử dụng chiêu bài quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ lương cao”; các hội nhóm cho nhận con nuôi, tìm cô dâu cho người nước ngoài… sau đó đưa ra nước ngoài ép buộc làm việc trong các cơ sở lừa đảo trực tuyến. Tình hình trên ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, để lại nhiều hệ lụy cho người dân, gia đình và xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng đã giải cứu, tiếp nhận, sàng lọc, bắt giữ và xử lý 105 vụ/26 đối tượng/140 nạn nhân và người nghi là nạn nhân (tăng 75 vụ/8 đối tượng/86 nạn nhân, người nghi là nạn nhân so với cùng kỳ 2023).
Lai Châu là tỉnh biên giới, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, kiến thức, nhận thức còn nhiều hạn chế. Vì thế, việc truyền thông để người dân hiểu và trang bị kiến thức để nhận biết tội phạm mua bán người là rất cần thiết, nhằm giảm thiểu và tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc gây hoang mang, mất trật tự an ninh tại cơ sở.
Tham dự hội nghị, các đại biểu và người dân cùng chia sẻ kiến thức về nhận diện mua bán người, cách thức sử dụng mạng xã hội dụ dỗ nạn nhân, các phương thức, thủ đoạn… của các đối tượng mua bán người.
Chị Lò Thị Trưởng (bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ) cho biết, sau buổi truyền thông, chị sẽ về bản chia sẻ những kiến thức, kỹ năng được truyền lại cho mọi người biết để cùng nhau nâng cao nhận thức phòng, chống nạn mua bán người; nhất là với những kẻ dụ dỗ phụ nữ trên mạng đi làm ăn xa, việc nhẹ lương cao…
Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đa số người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo bán ra nước ngoài. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên tuyền tới nhân dân khu vực biên giới. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của nhân dân khu vực biên giới về phòng chống mua bán người. Nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp các đơn vị Bộ đội Biên phòng xác lập chuyên án và bắt giữ đối tượng phạm tội mua bán người.
Tại hội nghị, Ban Tổ chức trao 120 suất quà cho các cư dân biên giới xã Huổi Luông./.