Văn hóa

Lễ Cầu ngư - điểm tựa tinh thần của ngư dân vùng biển Bình Thạnh

Quảng Ngãi

Trong lễ hội này, Vạn chài Hải Ninh tổ chức các nghi thức cúng, các hoạt động như chèo hầu, chòi hội... tái hiện việc đánh bắt trên biển của ngư dân.

Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Huỳnh Tấn Dũng đánh trống tại lễ ra quân khai thác hải sản đầu năm. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

TTXVN - Sáng 20/2, Vạn chài Hải Ninh và Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ Cầu ngư và ra quân đánh bắt hải sản đầu năm 2024. Đây là lễ hội truyền thống của ngư dân ở địa phương nhằm gắn kết cộng đồng trong hoạt động vươn khơi bám biển sản xuất.

Lễ Cầu ngư và cúng thần Nam Hải diễn ra tại lăng vạn thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh với các nghi lễ nghinh thần và rước thần Nam Hải. Trong lễ hội này, Vạn chài Hải Ninh tổ chức các nghi thức cúng, các hoạt động như chèo hầu, chòi hội... tái hiện việc đánh bắt trên biển của ngư dân trong năm qua và cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, biển được mùa cá mực.

Đồn Biên phòng Bình Thạnh tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Ông Vũ Huy Bình, Vạn chài thôn Hải Ninh cho biết: Hằng năm, bà con vạn chài tổ chức giỗ thần Nam Hải. Nghi thức thực hiện rất trang nghiêm, tôn kính để tạ ơn thần Nam Hải đã cứu độ ngư dân khi gặp hoạn nạn. Chúng ta có được cơ ngơi hôm nay, làng xóm đẹp, mái ngói đỏ tươi cũng là ơn biển. Vì vậy, Lễ Cầu ngư là điểm tựa tinh thần để ngư dân vững tâm bám biển.

Lễ Nghinh thần Nam Hải từ Lăng vạn Hải Ninh đến cảng cá Sa Cần, xã Bình Thạnh (Quảng Ngãi). (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Sau Lễ Cầu ngư là Lễ ra quân đánh bắt đầu năm. Với truyền thống của quê hương nghề biển, ngư dân xã Bình Thạnh đã đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất lớn vươn ra ngư trường xa bờ khai thác hải sản phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Lễ ra quân đầu năm là tiền đề để ngư dân đoàn kết, gắn bó cùng nhau vươn khơi.

Hát Bả trạo - một trong những nghi thức truyền thống tại Lễ Cầu ngư và ra quân khai thác hải sản của ngư dân Bình Thạnh. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Là địa phương có truyền thống nghề biển, xã Bình Thạnh những năm qua luôn xác định kinh tế biển là hướng đi đúng đắn phù hợp với truyền thống và là chiến lược lâu dài. Hiện, toàn xã có 87 tàu, thuyền tham gia đánh bắt ở các vùng biển xa. Với truyền thống cần cù, chịu khó, ngư dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bám những ngư trường truyền thống, quyết tâm vươn khơi bám biển, vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau trong cứu hộ, cứu nạn trên biển, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 2024, xã Bình Thạnh phấn đấu khai thác 1.250 tấn hải sản các loại.

Tàu thuyền của ngư dân Bình Thạnh vươn khơi sau Lễ Cầu ngư. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Thạnh Huỳnh Tấn Dũng cho biết: Chính quyền địa phương mong muốn bước vào mùa biển mới này, ngư dân tiếp tục hiện đại hóa đội tàu, đầu tư trang thiết bị đủ điều kiện và sẵn sàng tham gia khai thác trên các vùng biển xa an toàn, hiệu quả; phát huy tổ chức sản xuất theo tổ, đội; đồng thời xây dựng cộng đồng nghề cá để bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng nước lộng, vùng nước ven bờ nhằm phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển nghề cá bền vững.

Tại Lễ ra quân, Đồn Biên phòng Bình Thạnh, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho các chủ tàu cá nhằm động viên, khuyến khích ngư dân tích cực bám ngư trường để mỗi con tàu trở thành một cột mốc chủ quyền trên biển./.

Đinh Hương

Xem thêm