Lễ hội Khánh Sơn lần thứ III kéo dài từ ngày 10 đến 13/8 với nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút hàng nghìn du khách tham dự.
Tối 10/8, tại trung tâm thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, thủ phủ trái cây của tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra Lễ khai mạc hội Trái cây Khánh Sơn lần thứ III - năm 2024 với chủ đề 'Khánh Sơn hội tụ tinh hoa của đất trời', nhằm quảng bá những loại trái cây là đặc sản của vùng đất này và những nét văn hóa đặc sắc của quê hương Khánh Sơn.
Lễ hội kéo dài từ ngày 10 đến 13/8 với nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút hàng nghìn du khách tham dự. Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc đã mang đến cho du khách một hành trình đầy cảm xúc tại vùng cao Khánh Sơn. Nơi đây, tình đất và tình người gắn kết hòa quyện, tạo nên một điểm đến du lịch đầy hấp dẫn. Du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, khám phá văn hóa truyền thống và cảm nhận sự thân thiện của người dân vùng núi cao.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà nhấn mạnh: Sau 39 năm tái thành lập huyện Khánh Sơn, thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực nông thôn, đến nay huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực Khánh Sơn đã chuyển đổi hơn 4.200 ha từ cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây trồng ăn quả có giá trị kinh tế cao. Trong đó giai đoạn 2017-2024 đã chuyển đổi được hơn 1.152 ha. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và cây ăn quả nói riêng vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.
Ông Đinh Văn Thiệu cho rằng, để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị ngành nông nghiệp toàn tỉnh nói chung và Khánh Sơn nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây; xây dựng kinh tế xanh; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Khánh Hòa và của huyện Khánh Sơn.
Bên cạnh đó, để nông sản, trái cây, sản phẩm OCOP huyện Khánh Sơn phát triển bền vững, địa phương cần tập trung giải quyết 5 vấn đề căn bản là: xây dựng và bảo vệ thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công - tư; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, cho biết: Lễ hội Trái cây Khánh Sơn lần thứ III là sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu và quảng bá tiềm năng nông nghiệp và du lịch của huyện. Đây là dịp để nông dân kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, tiếp cận công nghệ mới và giới thiệu hình ảnh, con người, ẩm thực cũng như sản phẩm du lịch của huyện Khánh Sơn. Sầu riêng Khánh Sơn, vốn đã được vinh danh là Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị thế là cây trồng chủ lực của huyện.
Trong khuôn khổ lễ hội, có 60 gian hàng trưng bày các loại trái cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, mít nghệ, mía tím, cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương như: gùi, nỏ, rượu cần.
Lễ hội Trái cây Khánh Sơn được tổ chức hai năm một lần nhằm quảng bá, tạo cơ hội giao lưu, kết nối cung cầu và phát triển bền vững cho nông sản địa phương. Qua hai lần tổ chức thành công, lễ hội không chỉ giúp tiêu thụ một lượng lớn nông sản mà còn để lại ấn tượng sâu sắc với du khách về ẩm thực, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai và các danh lam thắng cảnh của huyện. Trong suốt lễ hội, nhiều hoạt động hấp dẫn diễn ra như mua bán, trao đổi nông sản sạch, biểu diễn và trưng bày đàn đá tại Quảng trường 20/11 và Thác Tà Gụ (huyện Khánh Sơn).
Chương trình nghệ thuật đặc sắc như "Khánh Sơn hội tụ tinh hoa của đất trời" và "Khánh Sơn - Bản sắc phố mây" cũng góp phần làm nên sức hút của lễ hội. Ngoài ra, lễ hội còn bao gồm các hội thảo kết nối phát triển du lịch và thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trái cây sạch. Các lễ hội truyền thống như Lễ tạ ơn cha mẹ, Lễ ăn đầu lúa mới của người Raglai cũng được tái hiện, mang đến cho du khách cái nhìn sâu sắc về văn hóa độc đáo của vùng đất này. Lễ hội Trái cây Khánh Sơn 2024 không chỉ là dịp để khám phá, trải nghiệm mà còn là cơ hội để tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của huyện Khánh Sơn./.