Các đại biểu, người dân, du khách đã cùng nhau hát vang Quốc ca, thắp hương tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; dành một phút tưởng niệm Người
Sáng 9/5, Huyện ủy, UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, tổ chức Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Bác Hồ ra thăm (9/5/1961 - 9/5/2025)
Trên nền Quốc ca hùng tráng, lá cờ Tổ quốc rộng 4,5 m, dài 6,2 m được kéo lên đỉnh Kỳ đài cao 29,7 m.
Tại Lễ thượng cờ, các đại biểu, người dân, du khách đã cùng nhau hát vang Quốc ca, thắp hương tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; dành một phút tưởng niệm Người.
Bà Lê Ngọc Hân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, điểm đặc biệt của Lễ thượng cờ, chào cờ và hát Quốc ca lần này là được triển khai đồng thời ở cả 3 điểm đảo đều có cột cờ chủ quyền Tổ quốc gồm: khuôn viên Quảng trường Di tích quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; khuôn viên Cột cờ Tổ quốc xã Thanh Lân; khuôn viên Cột cờ Tổ quốc thôn đảo Trần.
Theo UBND huyện Cô Tô, số lượng người tham gia Lễ thượng cờ tại cả 3 điểm đảo lên đến hơn 2.000 người (đông nhất từ trước đến nay) gồm: các lãnh đạo huyện, công chức, viên chức, người lao động, các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn; lực lượng dân quân tự vệ; đoàn viên, thanh niên, giáo viên, học sinh và đông đảo nhân dân cùng du khách.
Lễ thượng cờ, chào cờ và hát Quốc ca trên đảo tiền tiêu Cô Tô không chỉ là lời khẳng định chủ quyền quốc gia, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình và phát triển bền vững của đất nước Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hoạt động góp phần tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia; giáo dục về truyền thống lịch sử, tình yêu quê hương, biển đảo và khơi dậy ý thức, trách nhiệm, lòng tự hào của mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân trên đảo Cô Tô nói riêng trong việc bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.
Ngày 9/5/1961, Bác Hồ đã đến thăm đảo Cô Tô, trực thăng hạ cánh đúng nơi hiện nay là khu tượng đài Bác. Tại đây, Bác đã có buổi nói chuyện, căn dặn, động viên quân dân trên đảo đoàn kết cùng tiến bộ. Người đánh giá cao tầm quan trọng, vị trí chiến lược quốc phòng - an ninh của vùng biển đảo Cô Tô. Đây là trạm tiền tiêu của cả một vùng biển rộng lớn phía Đông Bắc của Tổ quốc. Vùng biển đảo này có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển và dịch vụ du lịch trong tương lai.
Xuất phát từ tầm quan trọng, vị trí chiến lược phát triển kinh tế, đảm bảo chủ quyền quốc gia cùng với tình cảm đặc biệt Bác dành cho nơi đây, theo nguyện vọng của quân dân trên đảo, Bác đã đồng ý cho phép dựng tượng của mình trên đảo khi người còn sống. Ngày 19/5/1968, quân dân trên đảo Cô Tô vui mừng đón chào ngày khánh thành tượng Bác Hồ.
Sau 64 năm kể từ ngày Bác Hồ ra thăm đảo, Cô Tô đang nỗ lực hướng tới trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia hiện đại, từng bước vươn mình trở thành "đảo ngọc" ở vùng Đông Bắc Tổ quốc như lời Bác Hồ đã từng mong muốn.
Từ một xã đảo rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giao thông cách trở, Cô Tô đã chuyển mình trở thành vùng đảo phát triển, điểm đến lý tưởng của du khách. Kinh tế Cô Tô có bước chuyển mình ấn tượng. Năm 2024, cơ cấu dịch vụ du lịch chiếm 67,5%, nông nghiệp chiếm 13,7%, công nghiệp xây dựng chiếm 18,8%, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 15-16%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 210 triệu đồng/năm, cao hơn 1,5 lần mức trung bình chung của tỉnh, Cô Tô không còn hộ cận nghèo.
Đặc biệt, năm 2015, Cô Tô được Chính phủ công nhận là huyện đảo đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng mạnh mẽ sang ngành dịch vụ du lịch; an sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng giáo dục đào tạo và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rệt, toàn huyện không còn hộ nghèo. 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biển đảo được giữ vững.
Năm 2025, Cô Tô đặt mục tiêu đón trên 300 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng. HĐND huyện đã thông qua chủ trương thành lập Đặc khu Cô Tô. Theo đó, huyện đảo Cô Tô sẽ sáp nhập toàn bộ 2 xã và 1 thị trấn hiện có để hình thành một đặc khu hành chính mới có tên gọi là Đặc khu Cô Tô trên cơ sở chuyển nguyên hiện trạng huyện Cô Tô thành Đặc khu và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, xã Thanh Lân).
Đặc khu Cô Tô sau khi được thành lập có diện tích 5.368 ha, quy mô dân số 7.151 người, giữ nguyên phạm vi địa giới hành chính hiện tại của huyện. Việc thành lập Đặc khu Cô Tô sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho vùng đảo này.
- Từ khóa:
- Cô Tô
- Lễ thượng cờ
- Chủ tịch Hồ Chí Minh