Công tác chỉ đạo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được Tổng Quân ủy - Bộ Tổng Tư lệnh yêu cầu Bộ Tư lệnh Chiến dịch chuẩn bị chu đáo và thực hiện kiên trì, từng bước một cách thận trọng nhưng cũng rất linh hoạt, phù hợp với từng trận đánh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi rực rỡ của dân tộc Việt Nam anh hùng, viết nên bản hùng ca bất hủ, một “chiến công chói lọi” trong thế kỷ XX. Chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã khắc vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc một cột mốc “bằng vàng”, đồng thời để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự, trong đó có nghệ thuật tổ chức chiến trường phối hợp.
Vận dụng linh hoạt và phát triển các hình thức chiến thuật
Chiến thắng Điện Biên Phủ là thành công của nghệ thuật tổ chức chiến trường phối hợp tạo thế và thời cơ có lợi cho trận quyết chiến chiến lược đánh thắng địch có quân số đông, hỏa lực mạnh, có sức cơ động cao. Nghệ thuật tổ chức chiến trường phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ là một trong những nét đặc sắc điển hình khi tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược trong lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Để thực hiện mưu kế chiến lược căng địch ra toàn bộ chiến trường Đông Dương mà đánh, trói địch lại trên chiến trường Điện Biên Phủ để diệt, ta sử dụng lực lượng tập trung vào các hướng chiến lược trọng điểm. Hướng thứ nhất ở Tây Bắc, ta tiến công tiêu diệt lực lượng địch ở Lai Châu, đồng thời uy hiếp địch ở Thượng Lào để nối thông với Sầm Nưa và vùng rừng núi Tây Bắc ra biên giới Việt Nam - Lào.
Hướng thứ hai ở Thượng Lào, ta phối hợp với bộ đội Pathet Lào, phá vỡ phòng tuyến sông Nậm Hu, mở rộng vùng giải phóng cách mạng Lào, cô lập Pháp ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt sinh lực địch và làm sai hướng phán đoán của địch.
Hướng thứ ba ở Trung Lào, ta phối hợp với lực lượng bộ đội Pathet Lào tiến công Xê Nô tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, thu hút, phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện cho các hướng khác tiến công.
Hướng thứ tư ở Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, ta phối hợp quân giải phóng Lào tiến công giải phóng Attapeu, vùng cao nguyên Boloven; phối hợp với quân Issarak (Campuchia) giải phóng Viên Xai, Xiêm Pạng, Kampong Cham nhằm giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng hậu phương.
Hướng thứ năm ở Bắc Tây Nguyên, ta đưa lực lượng vũ trang lên đánh địch vùng núi Bắc Tây Nguyên, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa bảo vệ vùng tự do Liên khu V. Ở đồng bằng Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và vùng sau lưng địch ở Bắc Bộ, ta vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích kìm chân địch, vừa tranh thủ tiêu diệt sinh lực địch, không cho lực lượng cơ động chiến lược địch đi càn quét.
Để phát huy quyền chủ động, trên các chiến trường, ta dùng một bộ phận quân chủ lực, kết hợp với lực lượng địa phương mở các cuộc tiến công vào những hướng chiến lược hiểm yếu mà địch tương đối yếu, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc địch phải phân tán quân cơ động để đối phó, khoét sâu mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực của địch tạo ra thế trận mới, thời cơ mới. Theo dõi sát tình hình, khi thời cơ xuất hiện, ta nhanh chóng tập trung lực lượng, tập trung chủ lực, tiêu diệt sinh lực quan trọng của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.
Công tác chỉ đạo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được Tổng Quân ủy - Bộ Tổng Tư lệnh yêu cầu Bộ Tư lệnh Chiến dịch chuẩn bị chu đáo và thực hiện kiên trì, từng bước một cách thận trọng nhưng cũng rất linh hoạt, phù hợp với từng trận đánh, từng đợt chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch quyết chiến chiến lược. Lực lượng công binh, vận tải bạt núi, san rừng, sáng tạo ra nhiều phương pháp mở đường, đào hào hiệu quả để vận chuyển tiếp tế hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí trang bị vào chiến trường trước giờ nổ súng. Lực lượng pháo binh kiên trì kéo pháo ra, điều chỉnh lực lượng và thế trận, chuẩn bị các trận địa bí mật ở dãy núi Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ theo phương thức tác chiến mới, sẵn sàng nổ súng...
Bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng với sự tham gia của nhiều đại đoàn chủ lực cùng với pháo lựu, pháo phòng không và các loại hỏa lực chi viện tiến công một tập đoàn cứ điểm của địch, Bộ Tổng Tư lệnh đã nghiên cứu, chỉ đạo việc tổ chức sử dụng lực lượng, vận dụng linh hoạt và phát triển các hình thức chiến thuật, các thủ đoạn chiến đấu một cách sáng tạo, phù hợp với từng trận đánh, từng đợt chiến dịch, trên từng chiến trường và hướng chiến lược, đã góp phần làm nên chiến thắng.
Phát triển công sự thành hệ thống trận địa tiến công và bao vây
Phát huy ưu thế có được từ việc tổ chức chiến trường phối hợp, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta tận dụng mọi thời cơ, với phương châm "đánh chắc, tiến chắc", ta đã xây dựng và phát huy được lợi thế của trận địa tiến công liên hoàn, vững chắc, từ xa đến gần, kết hợp vây hãm với tiến công lần lượt đột phá tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch.
Nghệ thuật xây dựng trận địa tiến công đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm thành công nhất, nổi bật nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, xuất phát từ việc đã phát huy được hiệu quả tác chiến hiệp đồng binh chủng, phù hợp với trình độ chiến thuật, kỹ thuật của quân đội ta lúc đó.
Địch tự tin Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, là hình thức phòng ngự mới nhất của địch theo kiểu "con nhím" - tức là thành lập những cụm cứ điểm tập trung trên sáu tiểu đoàn quân" (theo "Trận Điện Biên Phủ, nhìn từ hai phía", Nhà xuất bản Thanh niên). Từ nhận định chủ quan đó, tướng Navarre, Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương cho rằng, Điện Biên Phủ là một chiến trường lý tưởng được lựa chọn để gây tổn thất nặng nề nếu ta dám mở một cuộc tiến công mạo hiểm.
Đứng trước hình thức phòng ngự mới nhất, mạnh nhất của địch, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã nghiên cứu tìm cách trực tiếp tiến công vào tập đoàn cứ điểm, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm. Chỉ có như vậy, chúng ta mới đánh bại được sự cố gắng lớn nhất của địch, đập tan âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc", Chiến dịch Điện Biên Phủ được tiến hành với nhiều trận đánh địch trong công sự vững chắc, diễn ra liên tục trong một thời gian khá dài, tập trung ưu thế lực lượng tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Nếu trong các cuộc tiến công của ta thời kỳ đầu, hình thức tác chiến chủ yếu là đánh vận động, đánh công sự vững chắc nhỏ, thì bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, hình thức tác chiến là một trận đánh công sự vững chắc quy mô rất lớn có tính chất trận địa, bộ đội ta không thể đánh rồi rút ngay trong đêm, mà phải trụ lại, vây hãm dài ngày, phải vận động tiếp cận dưới hỏa lực địch cả ban đêm, ban ngày, lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu, sau đó giữ vững khu vực đã chiếm để tiếp tục vây hãm và tiến công các mục tiêu tiếp theo.
Trong cuốn "Điện Biên Phủ" (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân), Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: "Trong một thời gian khá dài, vấn đề đặt ra mà chưa giải quyết được là phải làm thế nào để tiến hành được cuộc chiến đấu cả ngày lẫn đêm ở trên mọi loại địa hình, có như vậy mới mở ra khả năng tiêu diệt sinh lực địch. Sự phát triển công sự thành một hệ thống trận địa tiến công và bao vây đã giải quyết thành công một vấn đề quan trọng, mở ra khả năng nói trên".
Trên cánh đồng ở Điện Biên Phủ, dưới bom đạn của địch, bộ đội ta đã từ chỗ trước đây thường chỉ chiến đấu trong một đêm, tiến lên bám trụ, chiến đấu liên tục trong suốt 56 ngày đêm, từng bước thắt chặt vòng vây, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch.
Xây dựng được trận địa tiến công vững chắc, bộ đội ta đã tiếp cận được các mục tiêu của địch để tiêu diệt, hạn chế được hỏa lực không quân, pháo binh của địch. Nhờ có hệ thống trận địa mà các loại hỏa lực bắn thẳng và pháo binh đã chế áp có hiệu quả từng trung tâm đề kháng của địch, bảo đảm cho bộ binh thực hành đột phá nhanh. Trận địa tiến công ngày càng sát địch, tạo điều kiện cho quân ta nắm chắc hơn tình hình địch và địa hình, thực hiện cách đánh địch hiệu quả.
Khi vòng vây của quân ta càng thắt chặt, các lực lượng của ta kết hợp chiến đấu tiến công và phòng ngự, đánh bại nhiều cuộc phản kích của địch có cả xe tăng và không quân yểm hộ. Hệ thống trận địa tiến công và bao vây của ta đã phá vỡ cấu trúc cơ bản của tập đoàn cứ điểm, tách biệt phân khu Nam với phân khu Trung tâm, cắt đứt mọi sự chi viện của địch ở phía Nam Mường Thanh; đã thực sự phát huy hiệu quả cách đánh vây hãm tiến công lần lượt tiêu diệt các cứ điểm, cụm cứ điểm địch.
Khi bước vào đợt 3 Chiến dịch, các chiến hào đã được củng cố, với cách đào lấn, đào dũi, các đường hào luồn dưới các hàng rào thép gai áp sát các lô cốt địch và cho phép bộ đội ta di chuyển giữa ban ngày và bất ngờ từ dưới các chiến hào lên tiến công vào các mục tiêu bên trong của địch.
Sáng 7/5/1954, đợt tiến công thứ ba đã giành được thắng lợi quyết định, quân ta chiếm hết các điểm cao quan trọng ở phía Đông, mở đường tiến vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm.
Đến 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, các hướng tiến công đánh thẳng vào sở chỉ huy của địch, bắt sống tướng De Castries, Chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ và toàn bộ cơ quan tham mưu tập đoàn cứ điểm, kết thúc thắng lợi Chiến dịch.
Khi theo dõi suốt quá trình phát triển của quân đội ta từ năm 1947, chính De Castries nhận thấy rằng Quân đội Việt Nam được khích lệ bằng một giá trị rất lớn, tinh thần rất cao “xuất phát hoàn toàn tự nhiên từ lý tưởng mà họ chiến đấu”, đặc biệt chính sự “luyện tập tỉ mỉ, sự chuyên cần tự học cũng như lòng dũng cảm coi thường hiểm nguy của họ đã làm cho bộ binh Việt Nam trở thành một trong những bộ binh tốt nhất thế giới”.
Vì vậy mà tại Điện Biên Phủ, “Bộ chỉ huy của quân đội dân chủ đã biết đa dạng hóa các phương pháp tiến công - chứng tỏ một trình độ chiến thuật cao và có sự tuân thủ tuyệt đối những nguyên lý của nghệ thuật quân sự”, De Castries nhấn mạnh (theo “Điện Biên Phủ bài ca bất diệt”, Nhà xuất bản Hồng Đức)./.