Theo Đề án, tỉnh Kiên Giang sáp nhập với tỉnh An Giang thành lập tỉnh An Giang mới, trung tâm hành chính đặt tại thành phố Rạch Giá. Tỉnh An Giang mới sau sáp nhập có diện tích gần 9.900 km², dân số trên 4,95 triệu người; có 102 xã, phường và đặc khu.
Chiều 7/5, Ban Thường vụ hai Tỉnh ủy An Giang và Kiên Giang tổ chức hội nghị Ban chỉ đạo hợp nhất 2 tỉnh để thống nhất một số nội dung và tiến độ sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải và Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của hai Sở Nội vụ An Giang và Kiên Giang cho thấy, đến nay, 2 tỉnh đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, tỉnh An Giang sau sắp xếp còn 54 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 44 xã, 10 phường; giảm 101 đơn vị hành chính (giảm 65,15% tổng số đơn vị hành chính cấp xã trước khi sắp xếp). Đối với Kiên Giang, sau khi sắp xếp có 48 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 41 xã, 4 phường và 3 đặc khu: Phú Quốc, Kiên Hải, Thổ Châu (giảm 66,43%).
Theo Đề án, tỉnh Kiên Giang sáp nhập với tỉnh An Giang thành lập tỉnh An Giang mới, trung tâm hành chính đặt tại thành phố Rạch Giá. Tỉnh An Giang mới sau sáp nhập có diện tích gần 9.900 km², dân số trên 4,95 triệu người; có 102 xã, phường và đặc khu.
Để triển khai thực hiện chủ trương hợp nhất hai tỉnh An Giang - Kiên Giang thành tỉnh An Giang, Ban Chỉ đạo hợp nhất 2 tỉnh thống nhất sẽ thành lập 6 tổ giúp việc; trong đó, Tổ 1 tham mưu xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh An Giang - Kiên Giang và sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tỉnh An Giang (mới).
Tổ 2, tham mưu xây dựng Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh An Giang; Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quân chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (cấp tỉnh, cấp xã) trước khi hợp nhất.
Tổ 3, rà soát, thẩm định, thẩm tra tiêu chuẩn, điều kiện nhân sự tái cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030; chuẩn bị các thủ tục và tham mưu thực hiện quy trình nhân sự, đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ định nhân sự cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030.
Tổ 4, giúp Ban Chỉ đạo tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh sau hợp nhất (để trình cấp ủy mới sau hợp nhất); chuẩn bị các điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị... để tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (sau hợp nhất) nhiệm kỳ 2025-2030. Đồng thời, giúp Ban Chi đạo tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh theo thời gian Trung ương quy định.
Tổ 5, tham mưu phương án xử lý các vấn đề có liên quan và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác khi hợp nhất tỉnh như: sắp xếp, xử lý trụ sở, tài chính, tài sản và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác khi hợp nhất tỉnh. Tổ 6, tham mưu công tác bảo đảm an ninh, trật tự khi hợp nhất 2 tỉnh An Giang - Kiên Giang. Các tổ giúp việc trên do các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh An Giang - Kiên Giang làm tổ trưởng.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải, cho biết: Tỉnh Kiên Giang được Trung ương phân công xây dựng Đề án hợp nhất 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang. Thời gian qua hai tỉnh phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng đề án hợp nhất và báo cáo về Trung ương đúng kế hoạch. Hiện, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang đã hoàn thành và báo cáo về Đảng ủy Chính phủ; bước đầu Đề án được Bộ Nội vụ nhất trí cao.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang yêu cầu các tổ giúp việc khẩn trương xây dựng xong kế hoạch trước ngày 15/5 trình Ban chỉ đạo. Hai Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang và Kiên Giang được giao làm Phó trưởng Ban chỉ đạo xử lý các công việc phát sinh ở các Sở, ngành, địa phương, đơn vị. Các tổ giúp việc phải xây dựng kế hoạch chi tiết; trong đó Tổ rà soát, thẩm định, thẩm tra tiêu chuẩn, điều kiện nhân sự tái cử và tham mưu thực hiện quy trình nhân sự phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng trong xử lý, tham mưu…/.