Thành phố Hồ Chí Minh, trong vai trò là cửa ngõ du lịch phải tiếp tục hoàn thiện những dòng sản phẩm có thể tạo được sức hút khách du lịch từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm du lịch địa phương.
TTXVN - Chương trình du lịch liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát huy hiệu quả với sự tham gia đồng bộ của nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp cho thấy sự vượt khó, xây dựng đa dạng sản phẩm, dịch vụ để khai phá nét đặc trưng và tiềm năng du lịch tại nhiều địa phương trong chương trình liên kết.
Mắt xích nòng cốt trong chương trình liên kết
Ghi nhận thực tế, chương trình du lịch liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (chương trình liên kết) đã tập trung phát triển dòng sản phẩm "Những nẻo đường phù sa" kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau, với giá trị cốt lõi là sinh thái sông nước, miệt vườn. Dòng sản phẩm "Non nước hữu tình" kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh", với những câu chuyện kể về văn hóa bản địa giàu bản sắc dân độc. "Sắc màu vùng biên" kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang với sự kết hợp văn hóa, ẩm thực bản địa.
Trên cơ sở 3 dòng sản phẩm này, khoảng 80 chương trình du lịch đang được cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch khai thác từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Thống kê từ 100 doanh nghiệp du lịch - lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, trong 9 tháng của năm 2023, có 1,8 triệu lượt khách tham gia sản phẩm của chương trình liên kết. Chi phí tour bình quân của sản phẩm chương trình liên kết cho 1 khách là 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Tổ phó thường trực Tổ giúp việc Hội đồng liên kết vùng đánh giá, một trong những mắt xích quan trọng của chương trình liên kết là cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch. Đây là những thành tố quan trọng góp phần phát triển mạnh mẽ hoạt động phát triển sản phẩm du lịch trong chương trình liên kết với tinh thần cộng hưởng, cùng chia sẻ với cộng đồng du lịch các địa phương.
Với sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho rằng, các địa phương cần khai thác, phát triển mạnh nhiều hơn sản phẩm du lịch liên kết theo chiều sâu trong thời gian tới. Cụ thể, mỗi địa phương xây dựng chính sách kích cầu du lịch hấp dẫn, đảm bảo đáp ứng mục tiêu tăng giá trị thụ hưởng cho thị trường du khách quốc tế và khách nội địa. Trong đó, thị trường khách nội địa vẫn là thị trường trọng điểm và chiếm 2/3 số du khách đến các tỉnh, thành. Mặt khác, mỗi địa phương phải xác định có sản phẩm chủ lực để thu hút thị trường khách du lịch cao cấp; tham mưu Ủy ban nhân dân ban hành chính sách thu hút đầu tư những khu điểm vui chơi giải trí bắt kịp thị hiếu du khách; đa dạng sản phẩm, hoạt động về đêm để thu hút khách ở lại lâu hơn...
Về phía Thành phố Hồ Chí Minh, trong vai trò là cửa ngõ du lịch phải tiếp tục hoàn thiện những dòng sản phẩm có thể tạo được sức hút khách du lịch từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm du lịch địa phương trong chương trình du lịch liên kết, tham gia hành trình tour tuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh về Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, các địa phương đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch theo hướng bền vững, nhất là dòng khách hai chiều giữa các tỉnh, thành.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề quan trọng trong chương trình liên kết là phải xác định đội ngũ lao động du lịch trong vùng là nhân tố kết nối, quảng bá và trực tiếp mang đến giá trị khai thác, phát triển sản phẩm du lịch liên kết. Để phát huy lợi thế của vùngcũng như nâng cao tính cạnh tranh so với những điểm đến khác trên cả nước và so với khu vực Đông Nam Á, đội ngũ người làm du lịch địa phương cũng là yếu tố tạo nên sức hút du khách. Các địa phương nên chú trọng ứng dụng triển khai công nghệ số vào khai thác và quản lý tài nguyên du lịch, phát triển truyền thông quảng bá theo hướng hiện đại, bắt kịp xu hướng của xã hội nhằm tạo ra những công cụ tìm kiế cho du khách.
Chung tay định vị sản phẩm
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm Du lịch trong nước, Công ty Benthanh Tourist cho rằng, người làm sản phẩm và phụ trách về du lịch có nhiều vấn đề trăn trở như giữ gìn thương hiệu chung cho Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với phát triển sản phẩm, dịch vụ liên tuyến. Các tỉnh, thành cần chủ động định vị lại sản phẩm, từ đó xây dựng nên một số sản phẩm mang tính dẫn dắt du khách đến địa phương để quảng bá và kéo theo những điểm đến khác. Để làm được những tour tuyến đặc trưng, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ ngành du lịch, đồng hành cùng chính quyền địa phương.
Đồng quan điểm, ông Lê Trương Hoàng Nam, Trưởng Phòng Phát triển sản phẩm khu vực miền Nam - Ban Sản phẩm - dịch vụ, Công ty Vietravel đề xuất, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long chú trọng hơn nữa trong xây dựng bộ sản phẩm kích cầu của vùng hoặc từng địa phương để doanh nghiệp du lịch - lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch có thể chào bán và kích cầu thị trường, nhất là vào những mùa du lịch thấp điểm. Điển hình như dòng sản phẩm du lịch sinh thái cần đảm bảo môi trường, đa dạng hoạt động tại điểm đến, nâng tầm nét đặc trưng bản địa và tạo thuận tiện hơn về giao thông, phương tiện vận chuyển... Những dòng sản phẩm của chương trình liên kết và địa phương, nếu mang lại cho mỗi du khách những câu chuyện của riêng mình khi kết thúc một hành trình tour thì chính những du khách này sẽ là một đại sứ quảng bá du lịch cho địa phương.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Truyền thông Tiếp thị Công ty lữ hành Vietluxtour chia sẻ, sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu, tác động đến quyết định mua tour hay không của khách du lịch; các địa phương cần tạo nên sự khác biệt trong tour tuyến, tránh sản phẩm, dịch vụ trùng lặp. Cụ thể, ngành Du lịch địa phương phải cho du khách thấy khu du lịch Tràm Chim không giống Khu Du lịch Mùa Xuân; sự khác biệt du lịch tâm linh của Long An với Sóc Trăng...
Mặt khác, cả ngành du lịch địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch đều mong muốn giữ khách du khách ở lại qua đêm để chi tiêu nhiều hơn nhưng bài toán đặt ra là muốn giữ chân được du khách thì nguồn nhân lực tại điểm đến phải "đa năng", không chỉ thuyết minh, giới thiệu mà còn phải giúp du khách "check in"... Hay một yếu tố nữa là các địa phương có thể tăng cường sức hút bằng mặt hàng quà tặng để du khách vừa mang theo xuyên suốt hàng trình tour tuyến và mang về nhà, vừa đóng góp quảng bá điểm đến du lịch địa phương thông qua hình ảnh trên nền tảng xã hội cá nhân.
Cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tham gia chương trình liên kết cho rằng, nếu không kể đến những thách thức mà tập trung vào những thế mạnh phát triển thì Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long lợi thế cạnh so với những vùng, miền khác là sông nước, miệt vườn và môi trường xanh. Tuy nhiên, các địa phương trong vùng khó có thể xây dựng được sản phẩm tour tuyến độc lập từ 3 ngày trở lên vì còn hạn chế về cơ tầng cơ sở, khu nghỉ dưỡng, giải trí... nên cần xây dựng sản phẩm liên tuyến.
Bên cạnh đó, phát triển những liên kết thông qua liên kết chuỗi giá trị du lịch đặc trưng của từng địa phương sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, tránh trùng lắp và hạn chế "cạnh tranh nhau" giữa các địa phương. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch rất kỳ vọng ngành du lịch mỗi địa phương tiếp tục nỗ lực cải thiện sản phẩm, dịch vụ và chào đón du khách bằng những tour tuyến đặc trưng, ẩm thực bản địa, văn hóa đặc sắc và quà tặng mang đạm chất vùng, miền mới tạo được ấn tượng cũng như để du khách trở lại lần nữa./.