Các ý kiến đại biểu tham dự thống nhất về mặt lý luận, nhằm đánh giá đúng thực trạng liên kết vùng và đề xuất giải pháp tăng cường, đổi mới liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
TTXVN - Ngày 27/10, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Liên kết vùng trong phát triển nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Hội thảo có sự tham dự của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu ở trong, ngoài khu vực.
Hội thảo tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về liên kết vùng trong phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả liên kết vùng từ đó góp phần triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về liên kết vùng, ngày 21/11/2016, tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020, các tỉnh, thành trong Vùng đã thông qua Nghị quyết liên kết, phối hợp toàn vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát của liên kết vùng. Thực hiện Nghị quyết này, việc liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được một số tiến bộ.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hoạt động liên kết vùng, tiểu vùng chưa thực sự hiệu quả làm ảnh hưởng đến việc phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng trong phát triển kinh tế - xã hội. Những hạn chế, bất cập trong liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long do nhiều nguyên nhân, trong đó có: Tư duy về liên kết vùng chậm được đổi mới, một số địa phương chưa thấy được sự cần thiết và lợi ích của việc tăng cường liên kết vùng. Các địa phương trong vùng có trình độ phát triển và điều kiện, lợi thế, các yếu tố sản xuất tương đối thuần nhất, từ đó ít tạo ra sức hấp dẫn cho liên kết giữa các địa phương. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng còn chưa cao, các loại thị trường trong vùng phát triển chưa cao. Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông còn lạc hậu và thiếu đồng bộ;...
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được kết quả khá toàn diện, trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực. Kinh tế của Vùng tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện; quy mô kinh tế được mở rộng; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; nhiều dự án công nghiệp trọng điểm về năng lượng đi vào hoạt động. Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư bằng nhiều nguồn lực, góp phần thay đổi diện mạo của vùng. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục - đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện. Công tác giảm nghèo, các chính sách xã hội thực hiện đạt nhiều kết quả…
Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn những bất cập và khó khăn, chưa tương xướng với tiềm năng, lợi thế: tăng trưởng kinh tế còn chậm so với các vùng trong cả nước; tỷ trọng xuất khẩu có xu hướng giảm; việc thu hút các nguồn lực đầu còn hạn chế... Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, song có nguyên nhân quan trọng là tư duy về liên kết vùng phát triển nhanh và bền vững còn chậm đổi mới, cơ chế điều phối, kết nối vùng còn nhiều bất cập; tính liên kết vùng chưa đem lại hiệu quả so với tiềm năng, lợi thế thực hiện Vùng và của từng địa phương.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết Loan, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang cho rằng, vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ và phát huy trách nhiệm cao của cả Trung ương, các địa phương. Việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải được phối hợp để bảo đảm tính tích hợp, thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch...
Các ý kiến đại biểu tham dự thống nhất về mặt lý luận, nhằm đánh giá đúng thực trạng liên kết vùng và đề xuất giải pháp tăng cường, đổi mới liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong bối cảnh mới, đánh thức và phát huy tiềm năng, lợi thế của “vùng đất Chín Rồng”, tạo ra nhiều cơ hội, lợi ích cho khu vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững; đóng góp mới cho sự phát triển chung của đất nước trong giai đoạn tới. Làm tốt những việc này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đề ra đối với Đồng bằng sông Cửu Long: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%; quy mô nền kinh tế đến năm 2030 tăng gấp 2 - 2,5 lần so năm 2021; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm./.
- Từ khóa:
- Liên kết vùng
- Đồng bằng sông Cửu Long