Diễn đàn Hà Nội về Khoa học Giáo dục và Sư phạm nhằm tạo một môi trường học thuật chuyên sâu để các chuyên gia chia sẻ về những xu hướng, phương pháp nghiên cứu mới, tham vấn các chính sách trong giáo dục.
TTXVN - Diễn đàn Hà Nội về Khoa học Sư phạm và Giáo dục năm 2023 (HaFPES 2023) do Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức, đã diễn ra ngày 27/10, tại Hà Nội.
Diễn đàn nhằm tạo ra một môi trường học thuật chuyên sâu để các chuyên gia chia sẻ về những trường phái, xu hướng, phương pháp nghiên cứu mới, tham vấn các chính sách về cách tiếp cận, thích nghi mới trong giáo dục và sư phạm, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo.
Tại diễn đàn, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Những năm gần đây, hầu như tháng nào cũng có những trao đổi về các vấn đề liên quan đến giáo dục. Từ những câu chuyện của giáo dục đại học như tự chủ, hội đồng trường, kiểm định chất lượng và tuyển sinh đến những vấn đề của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non như chương trình và sách giáo khoa, vị trí của môn Lịch sử, kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, việc dạy các môn tích hợp, phương pháp đánh giá kết quả học tập ở các bậc học… Những trao đổi này thường không đi đến thống nhất vì nhiều người tham gia chỉ đưa ra những đánh giá, nhận định dựa vào trải nghiệm cá nhân của mình về giáo dục hơn là dựa vào tư duy khoa học giáo dục và các thành tựu của nó.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh, để có được những kết luận đúng, khoa học, những thảo luận này cần có tính thẩm quyền chuyên môn - một khái niệm rất quan trọng của truyền thông khoa học, hay nói cách khác phải được dựa trên những thảo luận khoa học nghiêm túc. Việc phản biện chính sách với tư cách người dân chịu tác động cần phải tách bạch với phản biện của người có thẩm quyền và năng lực chuyên môn. Vì vậy, Diễn đàn Hà Nội về Khoa học Giáo dục và Sư phạm mong muốn tạo ra một nền tảng cho những tranh luận khoa học nghiêm túc của những người có năng lực và thẩm quyền chuyên môn.
HaFPES 2023 đã nhận được 136 công trình nghiên cứu từ các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước. Trực tiếp báo cáo tại diễn đàn lần này có 34 công trình nghiên cứu từ 33 tác giả trong nước và 18 tác giả quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Thái Lan, Anh, Nhật Bản, Nauy, Hàn Quốc.
Nội dung hội thảo tập trung vào 5 chủ đề quan trọng của giáo dục đương đại bao gồm: Lãnh đạo trường học trong bối cảnh chuyển đổi số: Từ chính sách đến thực tiễn; Giáo dục sư phạm trong chuyển đổi số và giáo dục dựa trên năng lực; Xu hướng hiện đại trong đánh giá giáo dục: Đánh giá năng lực, kiểm định và xếp hạng; Nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức; Công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0: Từ Nghiên cứu đến Ứng dụng trong giáo dục.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, nghiên cứu về khoa học giáo dục của Việt Nam đã có từ lâu, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy tầm quan trọng của khoa học giáo dục, đặc biệt trong ứng dụng các nghiên cứu của khoa học giáo dục để ban hành các chính sách. Trong bối cảnh sự thay đổi của khoa học công nghệ, của tri thức theo diễn tiến thời đại rất nhanh, đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt các xu thế, có những dự báo về tương lai. Đây là những vấn đề đặt ra cho khoa học giáo dục.
Thứ trưởng ghi nhận những nỗ lực của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội trong lĩnh vực nghiên cứu về khoa học giáo dục. Đồng thời, gửi lời chúc mừng Trường Đại học Giáo dục và Đại học Quốc gia Hà Nội khi mới đây, Tạp chí Time Higher Education đã công bố bảng xếp hạng theo lĩnh vực THE subject Ranking 2024, trong đó lĩnh vực Giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 401 - 500 thế giới. Đây là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay khẳng định vị trí các nghiên cứu về khoa học giáo dục của Việt Nam nói chung, của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc hy vọng, tại diễn đàn, các đại biểu tham gia sẽ có những trao đổi, đánh giá sâu sắc, phát triển những ý tưởng mới và phương pháp nghiên cứu hiệu quả về khoa học giáo dục trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, đề cập đến các công nghệ giáo dục mới nổi và hội tụ như ChatGPT, các ứng dụng AI, Metaverse và Digital Twin, phát triển học liệu số tương tác trong giáo dục, các chuyên gia đã chia sẻ về xu hướng ứng dụng và phát triển các giải pháp hướng đến trải nghiệm học tập cá nhân hóa, mở rộng cơ hội tiếp cận kiến thức nhanh chóng và thuận lợi, quản lý, theo dõi tiến trình học tập của học sinh một cách tự động, mở rộng môi trường học tập thực ảo, tăng cường trải nghiệm, kết nối với các nguồn học liệu số thông minh… Đây là những gợi ý sinh động cho thực tiễn giáo dục, phát triển các mô hình học tập thông minh thời gian tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia nêu vấn đề cần xem xét về đạo đức, bảo mật, tính minh bạch, xử lý dữ liệu cá nhân một cách an toàn và hợp pháp để đảm bảo quyền riêng tư khi sử dụng các công nghệ này. Phát triển học liệu số tương tác cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy học tập cá nhân hóa nhưng cần đảm bảo chất lượng và tính tương thích của học liệu số với các hệ thống hiện hành trong giáo dục./.