Giáo dục

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt và đảm bảo sách cho học sinh vùng cao

Phú Yên

Cùng với sự quan tâm của các trường học trong việc đảm bảo sách cho học sinh, các chương trình thiện nguyện được các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Phú Yên tổ chức cũng giúp cho các em học sinh vùng cao có thêm trang thiết bị, đồ dùng trong học tập.

Giờ học tăng cường tiếng Việt cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số tại trường Tiểu học – Trung học Cơ sở xã EaBia, huyện Sông Hinh. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh Phú Yên chú trọng nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh vùng cao; đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo sách cho học sinh ở các cấp học.

Chú trọng dạy tiếng Việt

Năm học này, ngành giáo dục tỉnh Phú Yên tiếp tục triển khai việc dạy tiếng Việt cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi trước khi bước vào lớp 1. Đồng thời, giáo viên các trường tăng cường lồng nghép dạy tiếng Việt cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số nhằm giúp các em có những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học, tạo tiền đề cho các bậc học tiếp theo.

Tại trường Tiểu học Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), các thầy cô giáo luôn lồng ghép dạy tiếng Việt trong các môn học để các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số dễ tiếp thu chương trình và nâng cao hiểu quả học tiếng Việt.

Thầy Trần Nhật Thiện, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Quang 1 cho biết, trong các tiết dạy của mình, các thầy cô giáo luôn giành thời gian để bổ sung kiến thức tiếng Việt cho các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Có một số em hạn chế về năng lực, kỹ năng tiếng Việt rất cần sự thường xuyên giúp đỡ, quan tâm của các thầy cô. Có như vậy, các em mới tiến bộ, đọc tiếng Việt tốt để học tốt các môn khác.

Còn tại Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở Ea Bia (huyện Sông Hinh), chương trình dạy tiếng Việt năm nay không những được thực hiện ở khối lớp 1 mà còn được tiếp tục được duy trì ở các khối lớp 2,3,4 và 5 thông qua việc tăng cường làm đồ dùng dạy học và sử dụng đồ dùng tự làm, các đồ dùng có sẵn tại địa phương. Nhà trường cũng bố trí sách có nội dung tiếng Việt phong phú, cuốn hút các em học sinh dân tộc thiểu số tham gia luyện đọc.

Em K Pá Như Qùynh (học sinh lớp 5 trường Tiểu học, Trung học Cơ sở Ea Bia) chia sẻ, em luôn tranh thủ những lúc rảnh, nghỉ giải lao để cùng các bạn đến thư viện nhà trường để đọc sách. Đến thư viện đọc sách tiếng Việt giúp em nhận diện mặt chữ nhanh hơn, từ đó giúp học môn tiếng Việt tốt hơn.

Tại nhiều trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số Phú Yên, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp và xem đây là điều kiện thuận lợi để các em có được những khoảng thời gian hoạt động vui chơi tập thể giúp các em mạnh dạn, tự tin và có cơ hội để bồi dưỡng tiếng Việt một cách hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cho biết, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số rất quan trọng. Sở yêu cầu các trường quan tâm đến môi trường dạy học trong và ngoài lớp để các em tiếp thu kiến thức tốt hơn. Thời gian qua, chương trình này mang lại kết quả tích cực, giúp cho các em nói tiếng Việt tốt hơn, tỷ lệ hoàn thành bộ môn tiếng Việt cao hơn. Đây cũng là bí quyết giúp học sinh mạnh dạn khi giao tiếp và học tập hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Các em học sinh tại trường Tiểu học Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân đọc sách tại thư viện nhà trường. (Ảnh: TTXVN phát)

Đảm bảo sách cho học sinh

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Quốc hội ban hành. Theo đó, học sinh các khối lớp 4, 8 và 11 phải học các bộ sách mới do ngành giáo dục địa phương chọn. Để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu sách như những năm trước, nhiều trường học trong tỉnh, nhất là các trường ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những giải pháp ngay từ đầu năm học.

Em La Vân Khánh (học sinh trường Tiểu học Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) cho biết, em cùng với các bạn trong trường luôn có đầy đủ sách, vở, đồ dùng học tập trong tất cả các môn học. Qua đây giúp em yên tâm học tập đạt thành tích cao.

Thầy Trần Nhật Thiện, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Quang 1 cho biết, để các em học sinh học tiếng Việt và các môn học khác tốt thì việc đảm bảo sách cũng rất quan trọng. Mặc dù là trường miền núi khó khăn nhưng nhà trường không để cho học sinh ở cấp lớp nào thiếu sách. Đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các em mua sắm đầy đủ sách và đồ dùng học tập.

Còn tại Trường tiểu học, Trung học cơ sở xã Ea Bia (huyện Sông Hinh), trên 40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được nhà trường cho mượn sách trong năm học 2023 - 2024. Theo Ban giám hiệu nhà trường, nhận định được những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số và để đảm bảo số lượng học sinh ra lớp cũng như chất lượng dạy và học nên ngay từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai chương trình mua sách mới bổ sung vào thư viện. Bên cạnh đó, trường cũng như huy động sách cũ từ các học sinh trong trường để trao tặng lại cho các em có hoàn cảnh khó khăn mà phụ huynh chưa mua được sách.

Thầy Hồ Viết Thiệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học, Trung học cơ sở xã Ea Bia cho biết, nhà trường có 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc thiếu sách cho các em khó tránh khỏi. Do vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã nắm danh sách học sinh vào trường, khảo sát có bao nhiêu em thiếu sách để có giải pháp cho mượn sách kịp thời, đầy đủ.

Cùng với sự quan tâm của các trường học trong việc đảm bảo sách cho học sinh, các chương trình thiện nguyện được các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Phú Yên tổ chức cũng giúp cho các em học sinh vùng cao có thêm trang thiết bị, đồ dùng trong học tập. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh không có trường nàop thiếu sách học tập, các em học sinh yên tâm học tập./.

Tường Quân

Xem thêm